Ngày 27-12, Đội 4 Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM (PC02) vào cuộc và bắt giữ Trần Kim Oanh (SN 1986, ngụ phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Oanh được xác định là người chuyên dùng chiêu lừa chuyển khoản dư khi mua hàng hòng qua mặt chủ tiệm để lừa tiền và hàng hóa.
Trần Kim Oanh thừa nhận đã thực hiện trót lọt hai vụ lừa chuyển khoản dư trên địa bàn quận 1. Ảnh: NGUYỄN YÊN
Tự tạo tin nhắn giả lừa chủ tiệm
Tại cơ quan công an, Oanh thừa nhận hành vi của mình. Oanh cho biết sau khi hết giãn cách xã hội, do muốn có tiền tiêu xài và các mặt hàng thiết yếu để sử dụng nhưng không muốn mua nên nảy sinh ý định làm giả các tin nhắn chuyển khoản khi đi mua hàng. Oanh sử dụng xe máy hiệu Attila biển số 55P6-3746 rảo quanh nhiều khu vực ở TP.HCM tìm các cửa hàng đông khách để mua hàng và thực hiện hành vi.
Oanh thừa nhận bằng thủ đoạn trên đã thực hiện trót lọt hai vụ lừa trên địa bàn quận 1. Cụ thể là ở cửa hàng trái cây trên đường Cô Giang và tiệm tạp hóa trên đường Trần Khắc Chân.
Xe máy BKS 55P6-3746 mà Oanh sử dụng để thực hiện hành vi. Ảnh: NGUYỄN YÊN
“Tôi tự soạn tin nhắn bằng số điện thoại của mình về việc đã chuyển tiền qua ngân hàng cho người bán. Sau đó, tôi tự gửi bằng số của tôi và sẽ được phản hồi lại một tin nhắn với nội dung y chang. Tôi đưa tin nhắn đó cho người bán và báo đã chuyển khoản thành công” - Oanh trình bày và cho hay thường nhắm đến các cửa hàng bán những mặt hàng thiết yếu. Số hàng lừa được từ các chủ tiệm Oanh sử dụng cho nhu cầu cá nhân.
Ngoài ra, Oanh cũng thừa nhận việc lợi dụng thông tin chuyển khoản dư để lừa lấy tiền mặt của nhiều chủ tiệm nhẹ dạ khác.
Các tin nhắn chuyển khoản thành công do Oanh tự tạo trên điện thoại. Ảnh: NGUYỄN YÊN
Hàng loạt nạn nhân lên tiếng
Ngay khi báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải bài viết “Thủ đoạn lừa đảo mới: Chuyển khoản dư khi mua hàng”, nhiều nạn nhân ở TP.HCM đã liên hệ với PV cho hay họ cũng bị Oanh lừa tiền và hàng hóa với cùng thủ đoạn như trên.
Chị LHD (ngụ quận Bình Tân) cho hay trong thời gian giãn cách, Oanh đến cửa hàng của chị mua nhiều mặt hàng với hóa đơn 1,3 triệu đồng, lý do mua là để đi làm từ thiện. Người này yêu cầu chị cung cấp số tài khoản ngân hàng để chuyển trả tiền mua hàng.
“Tôi cho số tài khoản, cô này chuyển tận 2 triệu đồng mặc dù hóa đơn chỉ có 1,3 triệu đồng nên tôi nghi ngờ. Sau đó người này cho tôi xem hình ảnh tin nhắn đã bị trừ tiền trong tài khoản và cho biết là do chuyển chậm nên tiền không đến liền” - chị D nói.
Thấy tin tưởng, chị D để Oanh rời đi. Tuy nhiên, hai ngày sau vẫn không nhận được tiền, lúc này chị D mới biết mình bị lừa. “Tôi rất bức xúc khi người này sử dụng thủ đoạn lừa đảo ngay cả trong thời gian dịch bệnh, giãn cách” - chị D nói thêm.
Hình ảnh của Oanh được chị D. chụp lại. Ảnh: NNCC
Trao đổi với PV, anh NCD (ngụ quận 8) cho biết anh bị người phụ nữ trên lừa mất 4 triệu đồng tiền mặt cũng với chiêu trò chuyển khoản dư.
Theo đó, khoảng tháng 10, Oanh có đến cửa hàng của anh đặt mua 300 kg gạo với tổng số tiền là 4,8 triệu đồng. “Người này chuyển trả 8,8 triệu đồng và tôi đã đưa lại cho cô ấy 4 triệu đồng chuyển dư. Đến chiều, khi giao gạo đến địa chỉ được đặt thì không đúng, không liên lạc được với Oanh” - anh D kể lại.
Trước đó, báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết phản ánh chiêu lừa mới lợi dụng chuyển khoản ngân hàng để lừa tiền, hàng hóa do một phụ nữ thực hiện. Ngay sau bài viết, Công an quận 1 đã vào cuộc xác minh, nhanh chóng bắt giữ nghi phạm.
Vụ việc hiện đã được bàn giao cho Công an quận 1 tiếp tục điều tra, xử lý.
Cách tự tạo tin nhắn rồi tự gửi cho chính mình Oanh lưu số điện thoại của chính mình thành tên một ngân hàng mà Oanh đang sử dụng. Sau đó, Oanh tự tạo nội dung, nhắn tin vào chính số điện thoại của mình (đã lưu thành tên ngân hàng). Tin nhắn sẽ tự động chuyển đến cho Oanh dưới danh nghĩa là tên của ngân hàng. Có tin nhắn đến, Oanh chủ động xóa đi tin nhắn đã gửi và trên màn hình điện thoại của Oanh chỉ còn tin nhắn đến, thể hiện là một giao dịch thành công của ngân hàng mà Oanh đã tự tạo rồi gửi đi. Khi nạn nhân nhìn thấy tin nhắn từ ngân hàng đến báo tài khoản của Oanh đã bị trừ tiền thì tin tưởng nên bị lừa. |