Nói gì thì nói, vỉa hè đã bị xâm lấn và trở thành nơi nuôi sống nhiều gia đình trong rất nhiều năm, bất chấp hệ thống pháp luật về vỉa hè vẫn hiện hữu. Kinh tế vỉa hè, như nhiều chuyên gia đã gọi tên, trở thành một điều không thể thiếu trong cuộc sống. Có lẽ cũng vì vậy mà khi “cuộc chiến vỉa hè” bùng lên, dù là trong thực tế hay trên truyền thông thì những ý kiến khác nhau về cách thức giành lại vỉa hè cũng là điều dễ hiểu.
Nói một cách công tâm, vỉa hè là của chung nhưng đã trở thành của riêng khi pháp luật không được tuân thủ, kỷ cương không được siết chặt và quán tính buôn bán tiểu nông vẫn không được thay thế bằng những hình thức văn minh, trong đó tôn trọng lợi ích cộng đồng là yêu cầu bắt buộc.
Nhưng rất tiếc, dù các quy định liên quan đến điều này vẫn hiện hữu và có hiệu lực nhưng chuyện vỉa hè bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh, buôn bán, mưu lợi riêng vẫn tồn tại như một lẽ tất nhiên hàng chục năm qua. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung gọi thẳng nguyên nhân là do “bảo kê”.
Sự bảo kê đó bắt nguồn từ đâu nếu không phải là từ sự tha hóa của những người thực thi pháp luật? Sự tha hóa ấy làm cho pháp luật, dù có hiệu lực, cũng không được thực thi; chính sách, dù có đúng đắn, cũng không mang lại hiệu quả quản lý trật tự xã hội như đã thấy.
Người này buôn bán trên vỉa hè được thì đương nhiên người kia cũng buôn bán được. Chẳng còn sự hiện diện của pháp luật, của công quyền trên vỉa hè. Đúng-sai không được phân định và sự rối loạn đương nhiên khiến cho bóng dáng công quyền bị lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm che khuất.
Lẽ ra người dân ai nấy đều phải biết rằng: Buôn bán, lấn chiếm vỉa hè là phạm pháp và sẽ bị xử lý. Nhưng vì sao những đợt xử lý việc lấn chiếm vỉa hè đều thường rơi vào cảnh “bắt cóc bỏ dĩa”?
Trách nhiệm thuộc về ai nếu trước hết không phải là lực lượng thực thi pháp luật? Bởi việc đảm bảo một xã hội pháp quyền, nơi mà mọi người đều bình đẳng và bị chi phối bởi pháp luật, trách nhiệm đầu tiên phải là của chính quyền. Điều ấy cũng có nghĩa là muốn giành lại được vỉa hè cho lợi ích công cộng thì trước hết chính quyền phải thấy được trách nhiệm đã từng bị bỏ quên của mình.
Có lẽ bởi thế mà ông Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm trước hết thuộc về cán bộ của mình. Và mới đây ông chủ tịch UBND quận Thanh Xuân quyết định gửi thư cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân bày tỏ tin tưởng các hộ gia đình đang cư trú, kinh doanh tại các nhà mặt đường, mặt phố sẽ sắp xếp gọn gàng hàng hóa trong khuôn viên nhà đất của mình để dành vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ trước khi chính quyền hành động.
Động thái này không chỉ cho người dân đang chiếm dụng vỉa hè có điều kiện sắp xếp thời gian tuân thủ quy định, mà còn là hành động đúng đắn của chính quyền khi cần thời gian để khơi gợi và lấy lại trách nhiệm lẽ ra họ phải thi hành từ lâu.