Tình trạng thiếu nguồn máu cứu người đã và đang trở nên phổ biến trên thế giới, nhất là khi vài năm gần đây các cuộc xung đột, các vụ tấn công khủng bố, chiến tranh có xu hướng gia tăng tại nhiều nơi. Nhìn toàn diện ra thế giới, từ các nước tiên tiến đến các quốc gia đang phát triển, kém phát triển, đồng thời kiểm tra thông tin từ website Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chưa thấy thông tin nào về đề xuất “bắt buộc hiến máu”. Không khó khăn để lý giải vấn đề này. Máu là một “tài sản” quý giá và nhạy cảm bởi liên quan trực tiếp đến vấn đề riêng tư của con người, bao gồm thân thể, sức khỏe, thông tin cá nhân... là những đối tượng được quy định nghiêm ngặt trong hiến pháp các nước. Việc cho máu vì thế bao hàm nhiều nội dung phức tạp hơn là việc lấy kim hút một lượng máu nhất định.
Kế hoạch “Sáng thứ Bảy” của Cook Islands
Nơi đầu tiên được WHO nhắc đến trong thu hút hiến máu đó là Cook Islands, một quần đảo gần New Zealand. Giống như nhiều quốc gia khác trước đây, việc truyền máu tại Cook Islands chủ yếu dựa vào nguồn máu từ các thành viên trong gia đình bệnh nhân - vốn được xem là “ý thức hệ”. Việc này vừa chịu rủi ro cao hơn về bệnh tật lây nhiễm, vừa tạo ra áp lực lên gia đình bệnh nhân trong khi truyền máu là rất cấp thiết.
Năm 2004, dịch vụ ngân hàng máu BV Rarotonga và Hội Chữ thập đỏ Cook Islands tiến hành phát triển chương trình máu quốc gia dựa trên 100% nguồn máu được hiến tặng miễn phí từ tình nguyện viên. Thách thức lớn là làm thế nào giáo dục cộng đồng, những nhà làm chính sách về tầm quan trọng của tình nguyện viên hiến máu, đồng thời thay đổi quan điểm người cho máu phải là người nhà bệnh nhân - vốn trở thành quy củ trong xã hội.
Kế hoạch tiến hành đặt các trạm hiến máu vào sáng thứ Bảy hằng tuần ở khắp nơi: các khu chợ, trường học phổ thông, các trung tâm giáo dục thanh niên, các tổ chức cộng đồng... không chỉ ở Rarotonga thuộc Cook Islands mà còn ở OuterIslands. Các nỗ lực này đạt được kết quả rất tích cực: Từ 30% lượng máu cứu người lấy từ tình nguyện viên năm 2002 lên 100% vào năm 2007. Lượng tình nguyện viên cho máu từ con số 70 (với dân số 20.000 người) đã gia tăng lên hơn 400 chỉ sau bốn năm thực hiện kế hoạch.
Tình nguyện viên hiến máu tại Sri Lanka. Ảnh: Hội Chữ thập đỏ Sri Lanka cung cấp
Câu lạc bộ 25 giúp Haiti thoát cảnh “thiếu máu”
Theo WHO, cho đến khi trận động đất kinh hoàng xảy ra vào năm 2010 phá hủy trung tâm máu quốc gia, Haiti (quốc gia ở vùng Caribe) đã đối diện nhiều thách thức về sức khỏe cộng đồng, bao gồm tỉ lệ tử vong của các bà mẹ và trẻ em gia tăng. Quốc gia này phải luôn trong tình trạng kêu gọi thường xuyên các nguồn máu tự nguyện để cứu người.
Dưới sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu chống AIDS, Malaria, Tuberculosis và Tổ chức PEPFAR (Kế hoạch Cứu trợ khẩn cấp được Tổng thống Hoa kỳ George W. Bush khởi xướng từ 2003) đã tăng cường lượng máu nhân đạo cứu người từ dưới 10.000 đơn vị vào năm 2004 lên trên 30.000 đơn vị vào năm 2012. Năm 2012 Haiti đã tung ra một chiến lược để thu hút nhiều người hiến máu hơn. Kết quả rất tốt, với tỉ lệ người tình nguyện và hiến máu không nhận tiền lên con số 85%; tỉ lệ người hiến máu thường xuyên đạt mức 40%.
Chiến lược của Haiti nhanh chóng trở thành một mạng lưới tình nguyện cho máu, đưa “buồng hiến máu di động” đi đến mọi miền đất nước, tuyên truyền mạnh mẽ về tầm quan trọng và giá trị cao quý của việc hiến máu cứu người. Các tờ thông tin quảng cáo, hình dán, áo thun, tập sách và bút viết có thông điệp hiến máu được phổ biến mạnh mẽ khắp nơi dưới tên gọi “Câu lạc bộ 25” (Club 25), với mục đích thu hút nhiều hơn người trẻ tình nguyện cho máu. Sáng kiến mang tính quốc tế này cổ động giới trẻ 16-25 tuổi trở thành người hiến máu thường xuyên. Club 25 còn tổ chức các hoạt động mang tính giáo dục bao gồm quan hệ tình dục an toàn và các vấn đề sức khỏe khác để tăng cường các khả năng cho máu an toàn của tình nguyện viên. Kế hoạch này cho phép Haiti bước xa hơn khi thành lập trung tâm máu quốc gia mới và hai trung tâm máu của khu vực.
Sri Lanka: Hợp tác quốc tế nâng cao hạ tầng truyền máu
Một quốc gia khác được WHO xem như gương điển hình trong việc thu hút nguồn máu tình nguyện đó là Sri Lanka với bài học về phát triển công nghệ ngành y tế. Năm 1959, lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia này đưa ra các giải pháp thu hút công chúng hiến máu nhằm nỗ lực cứu sống Thủ tướng Solomon Bandaranaike bị bắn. Rất tiếc, ông Solomon đã không qua khỏi chỉ một ngày sau vụ ám sát chấn động xảy ra. Tại thời điểm đó, ngân hàng máu của Sri Lanka không gì hơn là một căn phòng nhỏ bé thuộc BV Quốc gia Sri Lanka. Những tình nguyện viên được nhận lại 10 rupee mỗi lần hiến máu.
Từ sau sự kiện 1959, trong vòng hai thập niên, trung tâm dịch vụ truyền máu quốc gia Sri Lanka trỗi dậy mạnh mẽ, từ một căn phòng nhỏ bé thành nhiều trung tâm tân tiến hiện đại, điển hình như trung tâm máu quốc gia được đặt tại thủ đô Colombo và năm trung tâm máu khác. Đồng thời, có đến 70 bệnh viện có khả năng tự túc ngân hàng máu. Việc đóng góp để chi trả cho người hiến máu kết thúc từ năm 1979, hiện quốc gia này thu thập khoảng 302.883 đơn vị máu mỗi năm, trong đó 87% từ các tình nguyện viên không nhận tiền. Những người hiến máu thường xuyên sẽ được nhận một thẻ thành viên công nhận cam kết hiến máu của họ ở bốn cấp độ: đỏ, bạc, vàng và bạch kim.
Để có thành công lớn này, đội ngũ nhân viên tại trung tâm dịch vụ truyền máu quốc gia Sri Lanka đóng vai trò then chốt. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ về mặt công nghệ của WHO và các nguồn quỹ từ Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng thời tập trung cải thiện các khóa huấn luyện chuyên môn. Năm 2012, chính phủ Sri Lanka đã bật đèn xanh cho hoạt động nâng cấp dịch vụ truyền máu với tổng chi phí lên đến 32 triệu USD (gần 730 tỉ đồng) với sự hỗ trợ của Hà Lan. Dự án giúp giảm thiểu các rủi ro truyền máu, đồng thời giúp lưu giữ các loại tế bào hồng cầu đảm bảo trữ lượng các nguồn máu hiếm lên đến 10 năm so với thời gian lưu giữ tối đa 42 ngày tại thời điểm đó.
Dùng app điện thoại thu hút hiến máu Tại Anh, cơ quan y tế đặc biệt có tên gọi là “NHS Blood and Transplant” đang vận hành một ứng dụng trên điện thoại thông minh để thu hút người hiến máu. Ứng dụng này kết nối người sử dụng di động với bệnh nhân thông qua màn hình di động cho thấy tình trạng bệnh nhân đang rất cần máu để sống. Hình ảnh hiển thị trên di động cho thấy bệnh nhân đang nằm cạnh một túi truyền máu trống rỗng. Nếu người dùng ứng dụng có máu phù hợp, hệ thống “truyền máu ảo” của ứng dụng cho phép họ có thể nhìn thấy “máu” của mình được truyền tới bệnh nhân từ tay qua màn hình di động đến bệnh nhân, đồng thời nhìn thấy bệnh nhân sẽ dần hồi phục khỏe mạnh. Những chuyên gia thiết kế ứng dụng phải đảm bảo hình ảnh chuyển tới người xem phải sống động nhưng rất chân thật, từ việc thay đổi vẻ mặt, màu da, thần thái của bệnh nhân trước và khi “nhận máu ảo”; và cho phép người dùng phản hồi với cơ quan quản lý máu. Giám đốc điều hành của NHS Blood and Transplant, Ian Trenholm, nói rằng với nhu cầu chỉ dưới 200.000 người tình nguyện cho máu mỗi năm, cơ quan này đang tìm nhiều cách để người dân thấy tầm quan trọng của việc cho máu. Việc tạo ra một hệ thống “hiến máu ảo” không chỉ giúp người dân cảm thấy có thể cứu sống nhiều người, đồng thời giúp cơ quan y tế hiểu được suy nghĩ, mong muốn, mức độ hài lòng của người hiến máu để có những chính sách khuyến khích phù hợp. |