Thủ tướng chỉ đạo ứng phó với đợt mưa lớn ở miền Bắc

(PLO)- Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và Chủ tịch 13 tỉnh, thành phố khu vực trung du, miền núi phía Bắc triển khai các giải pháp chủ động ứng phó với đợt mưa lớn ở miền Bắc, dự kiến xảy ra từ tối nay đến ngày 4-7.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều nay, 2-7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 65 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động ứng phó với đợt mưa lớn ở miền Bắc.

Công điện dẫn dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, một đợt mưa lớn ở miền Bắc sẽ xảy ra từ chiều tối ngày 2 đến ngày 4-7.

Cụ thể, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40 - 80 mm, cục bộ có nơi trên 150 mm.

Khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa trên 80 mm. Do ảnh hưởng của mưa lớn, thượng lưu sông Đà, sông Thao, sông Lô khả năng xuất hiện một đợt nước lên. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

mưa lớn ở miền bắc.jpg
Đợt mưa lớn ở miền Bắc vào tháng 6-2024 gây ngập lụt ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Giang. Ảnh: CTTĐT Hà Giang

Hiện nay đang là cao điểm mưa lũ ở Bắc Bộ, do vậy Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng các Bộ, ngành liên quan, Chủ tịch UBND 13 tỉnh, thành phố trung du, miền núi phía Bắc không được chủ quan, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó với mưa lũ để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND 13 tỉnh gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Trong đó, khâu truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt được lãnh đạo Chính phủ đặc biệt lưu ý.

Các địa phương được yêu cầu rà soát, chủ động sơ tán, di dời người và phương tiện, tài sản ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng canh gác, bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.

“Kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan” - công điện nêu rõ.

Các địa phương cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với cơ quan có liên quan chỉ đạo vận hành an toàn các công trình, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn; đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập theo quy định, hạn chế tối đa thiệt hại. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tình huống.

Đối với nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin về tình hình thiên tai đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan chức năng để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó mưa lũ theo quy định.

Bộ NN&PTNT, Công Thương phối hợp với địa phương chỉ đạo vận hành hiệu quả, bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đối với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với địa phương chỉ đạo bảo đảm an toàn giao thông. Các Bộ Quốc phòng, Công an hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm