Ngày 23-3, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (SARS-CoV-2) đã họp triển khai các biện pháp ứng phó.
Các thành viên Ban chỉ đạo đã thảo luận và thống nhất phải quyết liệt kiểm soát dịch bệnh cả từ hai nguồn - từ ngoài vào và cả từ trong nước.
Quyết ngăn chặn lây nhiễm cộng đồng
Theo đó, ban chỉ đạo yêu cầu tất cả cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn dịch lây lan từ bên ngoài vào trong nước qua đường bộ, đường hàng không. Cùng đó là bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ tổ chức các khu cách ly tập trung an toàn, không để lây nhiễm; đồng thời đẩy nhanh tiến độ sàng lọc, xét nghiệm phát hiện người mắc bệnh.
Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tiếp nhận người nhập cảnh, tổ chức cách ly theo quy định. Bộ này đề nghị các địa phương cùng phối hợp với quân đội bố trí thêm các địa điểm cách ly, phương tiện vận chuyển và nhân lực phục vụ cách ly tập trung.
Trước phản ánh về tình trạng tiếp tế nhu yếu phẩm của một số gia đình cho người thân trong khu cách ly tập trung, các ý kiến tại cuộc họp đã nhấn mạnh yêu cầu và mục đích cao nhất của cách ly tập trung là bảo đảm an toàn cho người được cách ly. Đặc biệt, phải đảm bảo an toàn cho cộng đồng, sau đó mới đến việc khắc phục các điều kiện sinh hoạt còn chưa thuận tiện.
Ban chỉ đạo cũng cho hay sẽ ưu tiên cơ sở lưu trú, khách sạn để cách ly có thu phí đối với người nước ngoài có hộ chiếu ngoại giao, công vụ, các chuyên gia làm việc tại các dự án quan trọng ở Việt Nam.
Đối với trong nước, ban chỉ đạo yêu cầu địa phương phải quyết liệt ngăn chặn tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền cơ sở chỉ đạo sát sao với lực lượng nòng cốt là công an và y tế “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, xác định đầy đủ các trường hợp đã nhập cảnh từ nước ngoài vào, những người tiếp xúc gần. Từ đó các cơ quan liên quan phải có biện pháp cách ly và theo dõi y tế phù hợp. Việc này phải hoàn thành trước 12 giờ trưa 25-3.
Ban chỉ đạo cũng thảo luận một số nội dung liên quan đến việc bảo đảm trang thiết bị bảo hộ, thuốc men, test kit xét nghiệm, máy móc, vật tư y tế, kinh phí… để phục vụ công tác phòng, chống dịch trong toàn quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng tiếp tục khẳng định: “Việt Nam kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch”.
Thủ tướng thông tin trong 10-15 ngày tới sẽ quyết định thất bại hay thành công trong chống dịch COVID-19. “Đã quyết liệt rồi, chặt chẽ rồi thì càng quyết liệt, chặt chẽ hơn, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, phải thành công chứ không thất bại, không để lây lan lũy thừa, nhiều người mắc, người chết tại Việt Nam” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về các biện pháp cấp bách, tạm thời trong lúc dịch sang giai đoạn mới, Thủ tướng nêu rõ về sự đồng lòng, chung tay vào cuộc, sự nghiêm túc, quyết liệt trong phòng, chống dịch. Đặc biệt là sự phối hợp trong nhân dân, trong từng đường phố, từng chung cư, từng ngôi nhà và từng người dân là rất quan trọng.
305 tỉ đồng là số tiền do các tổ chức, cá nhân ủng hộ (cả về tiền và hiện vật) từ cuộc vận động hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19. Riêng số tiền nhắn tin ủng hộ qua số 1407 là 60 tỉ đồng. “Đây là sự nghiệp của toàn dân, nhân dân đã ủng hộ chúng ta rất nhiều, kể cả doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn cũng chung tay, chung sức để bảo vệ sức khỏe nhân dân” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xúc động chia sẻ. |
Thủ tướng yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người. Thủ tướng cũng đề nghị các cơ sở thờ tự không tụ tập đông người và yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở vấn đề này.
Thủ tướng giao ban chỉ đạo xem xét, xử lý việc mua sắm với tinh thần công khai, minh bạch, kịp thời, làm nhanh nhưng chống tham ô, tham nhũng.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Y tế nêu tổng quát kinh phí để báo cáo với cơ quan chức năng. Thủ tướng đồng ý mở rộng xã hội hóa, đóng góp tự nguyện trong điều kiện cách ly tập trung. Về cách ly tập trung tại khách sạn, ưu tiên cách ly đối với người nước ngoài và do đơn vị, cá nhân người nước ngoài thanh toán.
Thủ tướng yêu cầu các chuyến bay nội địa, đường sắt cũng phải được kiểm tra, xe khách cũng cần có biện pháp để chống lây truyền bệnh. Bộ Y tế nhanh chóng có các phương án mua, sử dụng các loại test xét nghiệm kịp thời hơn, báo cáo trưởng ban chỉ đạo.
Cùng đó, Bộ Y tế có trách nhiệm khẩn trương triển khai xét nghiệm nhanh tại các khu cách ly, tại cộng đồng để sàng lọc người nhiễm COVID-19, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm.
“Nếu máy xét nghiệm và test kit xét nghiệm trong nước bảo đảm chất lượng thì tập trung mua sản phẩm trong nước phục vụ công tác phòng, chống dịch. Căn cứ vào tình hình nhập cảnh, cách ly tập trung hiện nay, Bộ Y tế có ý kiến cụ thể với Bộ Quốc phòng và phân bổ cho các địa phương về số cơ sở và số lượng người cách ly tập trung để chủ động triển khai” - Thủ tướng chỉ đạo. Ông cũng đồng thời yêu cầu ngành y tế có trách nhiệm giới thiệu các phác đồ điều trị phổ biến để tập huấn cho các địa phương.
Xử nghiêm các trường hợp khai báo gian dối Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp không cách ly, không khai báo, gây hậu quả thì xử lý hình sự. Tại cuộc họp này, ban chỉ đạo đã trao đổi, thống nhất một số nội dung về: Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát biên giới; chống lây nhiễm trong cơ sở y tế; việc đưa người nước ngoài cách ly. Cùng đó là việc tổ chức cách ly đối với những người điều khiển phương tiện vận chuyển và người hỗ trợ (tổ bay, tiếp viên, tài xế); trang bị máy đo thân nhiệt và bố trí nhân lực tại các cảng hàng không nội địa để kiểm tra thân nhiệt hành khách trước khi lên máy bay… |