Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Việc nước ta ký Hiệp định TPP không chỉ là kết quả của quá trình 5 năm kiên trì đàm phán với tinh thần vừa hợp tác vừa đấu tranh, lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Sâu xa hơn, đây là thành quả của tiến trình 30 năm đổi mới, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là một nội dung quan trọng, ngày càng được khẳng định mạnh mẽ và kiến giải sâu sắc qua các Nghị quyết của Đảng.
Đây còn là những trải nghiệm rút ra từ thực tiễn hội nhập của nước ta sau khi ký kết và thực thi Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN, các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)… Hội nhập kinh tế quốc tế còn là một nội hàm quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.
I
Thực hiện chủ trương tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, trong các nhiệm kỳ Đại hội X và XI, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã chấp thuận đề nghị của Chính phủ về đàm phán tham gia một số Hiệp định Thương mại tự do mới. Đây là những Hiệp định có mức độ cam kết mở cửa thị trường cao hơn cam kết trong WTO và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký trước đây.
Đặc biệt, TPP và FTA với EU là những Hiệp định toàn diện, cân bằng lợi ích, với những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mức cao và những cam kết về thể chế kinh tế thị trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công… nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh công bằng.
Các Hiệp định này còn bao gồm các nội dung tuy không phải là thương mại trực tiếp nhưng có liên quan đến thương mại như môi trường và lao động. Với những nội hàm chủ yếu nêu trên, TPP cùng với FTA Việt Nam-EU được gọi là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
TPP là Hiệp định tiếp cận thị trường toàn diện, bảo đảm sự dịch chuyển tự do ở mức độ cao hơn của hàng hóa, dịch vụ, vốn và công nghệ thông qua việc cam kết loại bỏ nhanh thuế xuất khẩu, nhập khẩu và rào cản phi quan thuế; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử; tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, qua đó đem lại lợi ích nhiều hơn cho sản xuất kinh doanh, người lao động cũng như người tiêu dùng.
TPP sẽ thúc đẩy hình thành mạng sản xuất và chuỗi cung ứng mới trong thị trường 12 nước thành viên; tạo điều kiện để phát triển mạnh thương mại nội khối; nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân; góp phần giải quyết những thách thức trong nền kinh tế đương đại, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, phát triển nền kinh tế số, xây dựng chính sách cạnh tranh và quy tắc hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũng như bảo vệ các quyền cơ bản của người lao động và bảo vệ môi trường.
Hiệp định còn có các quy định bảo đảm cơ hội để các nền kinh tế thành viên có trình độ phát triển khác nhau và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể được hưởng lợi; giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển.
TPP cũng bao gồm các cam kết về hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và có sự linh hoạt về lộ trình thực thi, phù hợp với sự khác biệt về trình độ phát triển để các bên có khả năng đáp ứng cam kết và tận dụng đầy đủ lợi ích của Hiệp định. Đồng thời, quy định cơ chế giám sát thực thi và chế tài xử lý các vi phạm.
TPP tôn trọng thể chế chính trị của mỗi nước; thừa nhận yêu cầu phải tuân thủ đầy đủ pháp luật quốc gia, phù hợp với các cam kết quốc tế và không bao gồm các nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh. Hiệp định cũng được kỳ vọng là tạo ra một nền tảng mới cho hội nhập kinh tế khu vực và tạo cơ hội cho các quốc gia khác trên vành đai châu Á-Thái Bình Dương tham gia.
Trong điều kiện trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp và còn nhiều khó khăn, việc chủ động quyết định tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là TPP với tinh thần sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, nỗ lực vượt qua thách thức, tranh thủ cơ hội để vươn lên phát triển nhanh và bền vững, thể hiện bản lĩnh chính trị, tư duy sắc bén và tầm nhìn thời đại của Đảng và Nhà nước ta. Đây còn là sự khẳng định niềm tin vào ý chí, khả năng và sức mạnh của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.
II
TPP cùng FTA với EU sẽ mang lại nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức đối với nước ta.
Các Hiệp định này sẽ tạo thêm xung lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu với các nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó EU gồm 28 thành viên với GDP trên 18 nghìn tỉ USD và TPP hiện có 12 thành viên với GDP trên 20 nghìn tỉ USD.
Đây là những khu vực có công nghệ nguồn, thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư lớn nhất của Việt Nam liên tục trong nhiều năm qua. Nếu tính đến tác động cộng hưởng của các Hiệp định này với các FTA đã ký hoặc đang đàm phán, cơ hội còn lớn hơn nhiều vì nước ta sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 15 nước thuộc nhóm G20.
Xuất khẩu và đầu tư có vai trò quyết định cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống dân cư, nhất là trong điều kiện thu nhập bình quân đầu người và tiêu dùng nội địa của nước ta còn thấp. Tăng tỷ trọng xuất nhập khẩu với các thị trường này cũng làm cho quan hệ thương mại với các nước cân bằng hơn.
Những cam kết trong các Hiệp định là những khung khổ, chuẩn mực để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Tham gia các Hiệp định này còn là một bước tiến mới trong thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là tại một khu vực đang diễn ra cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt.
Cùng với những cơ hội thuận lợi, các Hiệp định này cũng đặt ra những khó khăn thách thức không nhỏ. Đó là, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia Hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia – đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh.
Trước sức ép cạnh tranh, một số doanh nghiệp sau thời gian chuyển đổi, tái cơ cấu nếu không vươn lên được có thể phải giải thể hoặc phá sản, một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm; khu vực nông nghiệp và nông dân dễ bị tổn thương; khoảng cách giàu nghèo sẽ bị doãng ra nếu chúng ta không thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm cho mọi người dân đều được hưởng thành quả của tăng trưởng.
Thách thức về thực thi cũng rất lớn, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật đến đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, chuyên gia kỹ thuật và pháp lý.
Nội dung về lao động-công đoàn cũng đặt ra những thách thức và yêu cầu mới trong hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và cả hệ thống chính trị của nước ta.
Cần nhận thức sâu sắc rằng, cơ hội thuận lợi tự nó không chuyển thành sức mạnh kinh tế, lợi ích và khả năng cạnh tranh trên thị trường mà phải thông qua sự nỗ lực và hiệu quả hoạt động hướng đích của các chủ thể – Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Khó khăn thách thức sẽ là sức ép không nhỏ nhưng mức độ ảnh hưởng đến đâu phụ thuộc vào năng lực ứng phó của từng chủ thể. Nếu tận dụng tốt cơ hội thuận lợi sẽ đẩy lùi được khó khăn thách thức, tạo ra cơ hội thuận lợi mới lớn hơn; ngược lại, khó khăn thách thức sẽ lấn át, chúng ta sẽ bị thua thiệt và rất khó khắc phục.
Điều cần nhấn mạnh là, trong các Hiệp định thương mại tự do, cơ hội luôn đi liền với thách thức và trong thách thức luôn ẩn chứa cơ hội – đây cũng là biện chứng của tiến trình phát triển.
III
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tham gia các Hiệp định FTA mới, nhất là các Hiệp định thế hệ mới – TPP và FTA với EU; và trong điều kiện công nghệ thông tin, Internet phát triển bùng nổ, các giao dịch xuyên biên giới ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thương mại, dịch vụ toàn cầu; cùng với những tiến bộ trong vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics, ranh giới giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài gần như bị san phẳng.
Hệ quả là, các mô hình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu hoặc hướng về xuất khẩu không còn nguyên ý nghĩa kinh điển của nó. Nhiều quốc gia chuyển sang mô hình công nghiệp hóa dựa trên sức cạnh tranh, khai thác và tạo lập lợi thế so sánh, chuyển lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời phấn đấu chiếm lĩnh các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị đó.
Để tận dụng cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Trong đó, cần xác định rõ vai trò và hành động của các chủ thể trong thực thi nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định này.
Doanh nghiệp là chủ thể quyết định sức cạnh tranh vi mô, phản ảnh sức mạnh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Doanh nghiệp phải dũng cảm chấp nhận cạnh tranh và phải chủ động, sáng tạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ do mình cung ứng, với tư duy không chỉ giới hạn tại thị trường trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới.
Tuy vậy, doanh nghiệp không thể tự mình quyết định được tất cả. Doanh nghiệp phải hành động trong khung khổ thể chế và môi trường kinh doanh xác định. Điều này lại hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước.
Nhiều nghiên cứu và từ thực tiễn các nước đều khẳng định rằng, thể chế quản trị quốc gia là yếu tố quyết định nhất đến sức cạnh tranh vĩ mô và sự phát triển của một nền kinh tế.
Phát triển nhanh và bền vững hay trì trệ, tụt hậu chủ yếu là do chất lượng thể chế. Thể chế tốt, bảo đảm nhà nước pháp quyền, quyền dân chủ của người dân và phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại sẽ khơi dậy được cao nhất sức mạnh tổng hợp và các nguồn lực cho sự phát triển. Và như vậy, thể chế có vai trò quyết định đến hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Để có một thể chế tốt, chất lượng cao, phải xác định đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, doanh nghiệp và xã hội.
Nhà nước phải thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô; xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch và tổ chức bộ máy quản lý để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng; sử dụng nguồn lực của Nhà nước, các chính sách và công cụ điều tiết để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống người dân; bảo vệ môi trường; bảo đảm các dịch vụ công thiết yếu, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thị trường quyết định việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực. Doanh nghiệp được tự quyết định kinh doanh trên các lĩnh vực mà luật pháp không cấm đồng thời phải đề cao trách nhiệm xã hội và văn hóa kinh doanh. Xã hội – thông qua người dân và các Tổ chức, các Hội nghề nghiệp đại diện cho mình và các chuyên gia, các nhà nghiên cứu độc lập để đóng góp xây dựng, phản biện và giám sát thực thi chính sách, nhằm hạn chế các khiếm khuyết của thị trường và Nhà nước.
Trên cơ sở nhận thức đúng đắn các mối quan hệ trên đây, chúng ta phải khẩn trương tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các FTA thế hệ mới với tinh thần đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế và chính trị. Tập trung mọi nỗ lực xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và thượng tôn pháp luật. Công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Cán bộ công chức chỉ được làm và phải làm những việc theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục cải cách bảo đảm sự tương thích, đồng bộ giữa luật pháp, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức. Tổ chức trùng lắp, chồng chéo sẽ gây lãng phí nguồn lực và cản trở sự phát triển. Phải dám chấp nhận đổi mới, vượt qua sức ỳ, sự bảo thủ để hoàn thiện hệ thống tổ chức lãnh đạo quản lý, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới.
Đặt việc cải thiện môi trường kinh doanh trong yêu cầu cải cách thể chế. Thể chế tạo ra khung khổ, định ra giới hạn cho cải thiện môi trường kinh doanh. Không thể có môi trường kinh doanh tốt nếu không có thể chế phù hợp. Những tiến bộ trong cải cách thể chế phải được chuyển hóa đầy đủ sang cải thiện môi trường kinh doanh.
Điều này không chỉ liên quan đến tổ chức bộ máy mà còn gắn chặt với chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất và năng lực, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Đặc biệt quan tâm đào tạo một đội ngũ cán bộ pháp lý, các nhà quản trị doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh và phát triển.
Chỉ trên nền tảng đổi mới thể chế quản trị quốc gia phù hợp mới có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả của tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đẩy nhanh áp dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.
Cũng chỉ trên cơ sở đổi mới thể chế phù hợp mới tạo điều kiện cho quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn và một nền nông nghiệp sạch, có giá trị gia tăng cao, ổn định nguồn cung để có thể tăng nhanh thị phần trên thị trường thế giới. Nếu không, sẽ không tận dụng được cơ hội thuận lợi do TPP, FTA với EU và các FTA mới mang lại.
TPP cũng như FTA với EU yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải công khai, minh bạch hoạt động và cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước đồng thời khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
Để bảo đảm thành công trong hội nhập quốc tế và thực hiện hiệu quả các FTA, đặc biệt là TPP và FTA Việt Nam - EU, trước hết phải có Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chương trình hành động cụ thể của Chính phủ, các cấp các ngành và của cộng đồng doanh nghiệp. Phải làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận trong nhận thức, thống nhất trong hành động, nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững.
*
* *
Chúng ta đang sống trong một thời đại vận động và phát triển rất nhanh, thế giới đang bước vào làn sóng công nghiệp lần thứ tư, tiến trình công nghiệp hóa ngày càng được rút ngắn. Nếu có quyết tâm cao và ý chí vươn lên mạnh mẽ, tinh thần sáng tạo và chiến lược tăng trưởng đúng đắn, nước đi sau có thể đuổi kịp và vượt quốc gia đã có trình độ phát triển cao hơn và những doanh nghiệp mới, quy mô nhỏ có thể nhanh chóng trở thành những doanh nghiệp lớn.
Tham gia các Hiệp định này, Việt Nam còn có thêm cơ hội nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ tăng quy mô, tạo điều kiện hình thành những doanh nghiệp lớn đồng thời với xu thế cá thể hóa doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để nuôi dưỡng tinh thần đổi mới, sáng tạo, khuyến khích phong trào khởi nghiệp của mọi người dân và nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp chúng ta hãy nêu cao niềm tự hào dân tộc, chung sức đồng lòng, chủ động khai thác và phát huy tốt nhất cơ hội thuận lợi, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức trong hội nhập, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến cùng thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn./.
(*) Tựa do tòa soạn đặt.