Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Sàn giao dịch chứng khoán New York

(PLO)- Tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập tới nỗ lực làm trong sạch, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 16-5 (theo giờ Mỹ), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới tham quan Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) - sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa thị trường.

Trong cuộc gặp Ban lãnh đạo NYSE, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ niềm vui được tới thăm, rung chuông kết thúc phiên giao dịch trong ngày của NYSE. Ông trân trọng cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, trọng thị của ban lãnh đạo NYSE.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin về tình hình phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, cho biết Việt Nam đang tiến hành quyết liệt các biện pháp xử lý các sai phạm của một số ít các nhà đầu tư để thị trường phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Sở giao dịch Chứng khoán New York. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Sở giao dịch Chứng khoán New York. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng đề nghị NYSE quan tâm hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm để góp phần giúp Việt Nam phát triển thị trường chứng khoán hiệu quả, bền vững, xây dựng thành công trung tâm tài chính quy mô khu vực. Ông cũng mong muốn NYSE và các đối tác Việt Nam hướng đến quan hệ đối tác bền vững, đôi bên cùng có lợi, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ ngày càng thực chất, hiệu quả.

Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô

Phát biểu mở đầu cuộc tọa đàm với các CEO của một số tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu đang đầu tư tại NYSE, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng những biến động của tình hình thế giới đang tác động đến kinh tế các nước, trong đó có Mỹ và Việt Nam. Đây là thách thức mà các bên cần cùng chung tay giải quyết.

Thời gian qua, Việt Nam đã duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, các yếu tố như tỉ giá, lạm phát, lãi suất trong tầm kiểm soát. Các cân đối lớn về thu chi ngân sách, xuất nhập khẩu, năng lượng, an ninh lương thực, cung cầu lao động cũng được giữ vững. Việt Nam xác định cần phát triển thị trường vốn, thị trường tiền tệ, trái phiếu, cổ phiếu theo hướng lành mạnh, bền vững.

Lãnh đạo Amphenol Corporation - doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử cung cấp cho Boeing, Apple, Tesla... cho biết đang muốn chuyển sang sản xuất tại Việt Nam, đề nghị Thủ tướng thông tin thêm về các biện pháp của Chính phủ để thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trả lời các câu hỏi của lãnh đạo Amphenol Corporation, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986 dựa trên ba trụ cột chính là xóa bỏ quan liêu, bao cấp; thực hiện đa sở hữu; và hội nhập. Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Thủ tướng nêu rõ trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, Việt Nam phát huy mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết toàn dân, toàn diện và kêu gọi hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương. Việt Nam cũng đang tập trung vào ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; xây dựng hệ thống hạ tầng; và phát triển nguồn nhân lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm bàn tròn với CEO một số tập đoàn/quỹ đầu tư niêm yết trên NYSE. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm bàn tròn với CEO một số tập đoàn/quỹ đầu tư niêm yết trên NYSE. Ảnh: TTXVN

Về thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “chân thành, tin cậy, trách nhiệm”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa các bên. Trong đó Việt Nam đang chủ động với nhiều nỗ lực để ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Cụ thể, Việt Nam đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam và các cam kết quốc tế, trong đó có 15 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, trong đó có tất cả các nền kinh tế lớn nhất, phát triển nhất trên thế giới.

Việt Nam tập trung phát triển hạ tầng chiến lược như hạ tầng chuyển đổi số (chính phủ số, kinh tế số, xã hội số), hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng y tế... để thu hút các nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

Việt Nam xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, ổn định, giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả, trong đó, chuyển đổi số sẽ giúp giảm giao dịch trực tiếp, chống tiêu cực, phiền hà, tham nhũng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Và luôn bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội, để người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Việt Nam muốn tạo niềm tin chắc chắn cho các nhà đầu tư

Đại diện ngân hàng Duetsche Bank cho biết vừa qua đã làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết. Vị này đặt câu hỏi, Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp để có thể niêm yết thành công trên thị trường chứng khoán nước ngoài, trong đó có thị trường chứng khoán New York?

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm bàn tròn với CEO một số tập đoàn/quỹ đầu tư niêm yết trên NYSE. Ảnh:TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm bàn tròn với CEO một số tập đoàn/quỹ đầu tư niêm yết trên NYSE. Ảnh:TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững, tuân thủ luật pháp. Trong đó, môi trường pháp lý là rất quan trọng, cần sự hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp để hoàn thiện.

Trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ luôn bám sát tình hình, thích ứng với môi trường bên trong và bên ngoài để doanh nghiệp yên tâm, đồng thời định hướng cho doanh nghiệp.

Mặt khác, bản thân doanh nghiệp cũng phải cố gắng vươn lên, tạo dựng uy tín trong nước và ngoài nước, chủ động học tập, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ, trên tinh thần “chân thành, tin cậy, trách nhiệm”.

Doanh nghiệp cần nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam như Vietcombank, FPT, Vinfast đã có mặt tại Mỹ và rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các doanh nghiệp ở đây.

Thủ tướng tóm tắt lại: “Thứ nhất, Nhà nước tạo cơ hội, môi trường, điều kiện để doanh nghiệp lớn mạnh; thứ hai, doanh nghiệp phải nỗ lực để tự lớn mạnh, đáp ứng quy luật cung cầu; và thứ ba là sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ.”

Đại diện Goldman Such - tập đoàn quản lý quỹ đầu tư lớn hàng đầu thế giới, cho biết muốn tìm hiểu kỹ hơn về định hướng chính sách với giới hạn tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, cũng như khả năng tiếp cận và sử dụng ngoại tệ.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý, cải thiện hơn nữa điều kiện đầu tư vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng, minh bạch hóa các hoạt động ngân hàng, tăng cường quản trị theo thông lệ quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút rung chuông và gõ búa kết thúc phiên giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút rung chuông và gõ búa kết thúc phiên giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng cho biết thêm Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, xác định nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, thường xuyên và đột phá. Việt Nam luôn mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành mới nổi, như thị trường chứng khoán, chuyển đổi năng lượng, số, y tế, dược phẩm…

Thủ tướng một lần nữa khẳng định Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, mang tính cạnh tranh, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và các cam kết tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

“Chúng tôi muốn tạo niềm tin và hiệu quả, cơ hội chắc chắn trong kinh doanh, không gây phiền hà, lo lắng cho các nhà đầu tư” - Thủ tướng nêu rõ.

Chuyến tham quan NYSE của Thủ tướng Phạm Minh Chính nằm trong chuỗi hoạt động của lãnh đạo Việt Nam nhân Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ do phía Mỹ đăng cai, và thăm, làm việc tại Mỹ, Liên Hợp Quốc.

Quan hệ Việt - Mỹ kể từ khi bình thường hóa vào năm 1995 đã không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, hiện đang ở mức quan hệ đối tác toàn diện, được nâng lên từ năm 2013.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm