Thủ tướng: Tổng rà soát về PCCC, đặt an toàn tính mạng người dân lên hàng đầu

(PLO)- Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm phải đặt người dân là trung tâm, là chủ thể trong công tác PCCC, đặt an toàn, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác PCCC và sơ kết năm năm thực hiện Nghị định 83/2017 quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến đến tất cả địa phương, trong bối cảnh liên tiếp các vụ cháy nghiêm trọng xảy ra thời gian qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long tại hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long tại hội nghị. Ảnh: VGP

Nhiều nơi chủ quan, lơ là về PCCC

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả mà các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã đạt được trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt, Thủ tướng trân trọng ghi nhận và cám ơn sự xả thân, hy sinh quên mình của lực lượng công an nhân dân nói chung, các lực lượng tham gia nhiệm vụ PCCC, cứu nạn, cứu hộ, nòng cốt là lực lượng cảnh sát PCCC nói riêng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, không quản ngại khó khăn, hy sinh, gian khổ để thực hiện nhiệm vụ cao cả, vì sự bình yên của cuộc sống, vì tính mạng của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn, khách quan, nghiêm túc nhìn nhận công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập, để xảy ra nhiều hậu quả nghiêm trọng; cần khẩn trương, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, khắc phục trong thời gian tới.

Theo Thủ tướng, ý thức, trách nhiệm đối với công tác PCCC có nơi, có lúc chưa tốt, chưa nhận thức được tầm quan trọng của PCCC; còn chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; còn nhiều trường hợp cố ý vi phạm quy định về PCCC, cứu nạn, cứu hộ.

Thủ tướng cũng thẳng thắn, khách quan, nghiêm túc nhìn nhận công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập, để xảy ra nhiều hậu quả nghiêm trọng…

Chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC chưa đủ mạnh, chưa bảo đảm tính răn đe, dẫn đến tình trạng chây ỳ, kéo dài, không khắc phục vi phạm. Việc xử phạt vi phạm nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa nghiêm, thậm chí buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ chưa toàn diện, đồng bộ, xuyên suốt. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 83/2017.

“Điều này thể hiện sự thiếu quan tâm, thiếu quyết liệt, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách PCCC, cứu nạn, cứu hộ của một số lãnh đạo bộ, ngành, địa phương. Thay mặt Chính phủ, tôi phê bình và yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, TP nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân…” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Vẫn theo Thủ tướng, công tác quản lý nhà nước không ít nơi bị buông lỏng, lỏng lẻo, các lực lượng chưa phối hợp chặt chẽ với nhau; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật PCCC chưa nghiêm, chưa quyết liệt, chưa đủ sức răn đe, còn nhiều nơi làm hình thức, chiếu lệ, qua loa, chưa mang lại hiệu quả.

“Tôi lưu ý là nhiều vụ gây chết nhiều người xảy ra tại cơ sở kinh doanh karaoke; tại Hà Nội, nhiều vụ cháy quán karaoke xảy ra tại quận Cầu Giấy. Chúng ta phải suy nghĩ về các số liệu, mất mát nói trên, về những địa bàn, khu vực, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy để tìm nguyên nhân, rút kinh nghiệm, tìm ra biện pháp phòng ngừa, xử lý. Khi các vụ cháy xảy ra nhiều lần trên một địa bàn, một lĩnh vực thì phải kiểm điểm, xác định tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm kỷ luật trước Đảng, Nhà nước” - Thủ tướng nêu rõ.

17.055 vụ cháy trên toàn quốc

Theo Bộ Công an, trong năm năm qua (2017-2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng), làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7.000 tỉ đồng và trên 7.500 ha rừng.

Toàn quốc xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại về tài sản nhiều tỉ đồng.

Trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người. Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45%.

Lực lượng cảnh sát PCCC phát hiện trên 1,1 triệu tồn tại, thiếu sót; xử phạt gần 50.000 trường hợp với tổng số tiền 520 tỉ đồng; tạm đình chỉ 1.368 trường hợp, đình chỉ 1.013 trường hợp.

Tổng rà soát PCCC, nhất là karaoke

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm phải đặt người dân là trung tâm, là chủ thể trong công tác PCCC; đặt an toàn, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Mục tiêu là ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt việc chết người và hậu quả nghiêm trọng trong các vụ cháy nổ do nguyên nhân chủ quan; nâng cao ý thức và kỹ năng của người dân trong PCCC, cứu nạn, cứu hộ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình về PCCC, cứu nạn, cứu hộ.

Cùng với đó là siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Trước mắt, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về công tác PCCC, nhất là những địa bàn, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy...

Đồng thời tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo sự cố, tai nạn...). Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Tập trung hoàn thành quy chuẩn an toàn cháy đối với nhà ở riêng lẻ, các cơ sở kinh doanh đặc thù, nhạy cảm, trong đó có quán karaoke, vũ trường, quán bar, chợ, kho; nhất là liên quan đến việc chuyển đổi công năng sử dụng (như từ nhà ở chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh dịch vụ, vừa ở vừa kinh doanh, sản xuất)...

Các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; xử lý nghiêm, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện. Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC và khi xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh tra.•

Lãnh đạo các địa phương kiến nghị hoàn thiện công tác PCCC

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã chỉ ra các tồn tại trong công tác PCCC, trong đó có các quy định, quy chuẩn chưa thống nhất, đồng thời đề xuất nhiều vấn đề để nâng cao công tác cứu hộ, cứu nạn cũng như công tác PCCC.

Ông PHAN VĂN MÃI, Chủ tịch UBND TP.HCM:

Dùng trực thăng, robot chữa cháy

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại điểm cầu TP.HCM
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại điểm cầu TP.HCM

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị ba vấn đề tới Thủ tướng và trung ương.

Thứ nhất, cần hoàn thiện thể chế, các quy định về trách nhiệm chủ trì, phối hợp và trách nhiệm, các hình thức chế tài của các bên liên quan; các quy định, quy chuẩn; khắc phục những điểm chồng chéo. Vừa qua, TP có quy định thợ hành nghề hàn phải được tập huấn.

Thứ hai, cần có cơ chế phối hợp lực lượng hoạt động PCCC, cứu hộ, cứu nạn cho vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, hằng năm cần có diễn tập trong khu vực. Đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư để tăng tính cơ động và hiệu quả PCCC trên địa bàn, kể cả trang bị trực thăng chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông hoặc robot, người máy tham gia chữa cháy, tăng cường thêm xe, thang và các phương tiện cứu hộ, cứu nạn khác.

Thứ ba, đề nghị xem xét, bổ sung công việc PCCC, cứu hộ, cứu nạn vào danh mục nghề độc hại, nguy hiểm để chúng ta có chính sách xứng đáng.

Ông LÊ HỒNG SƠN, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội:

Tổng rà soát karaoke, vũ trường

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Theo ông Lê Hồng Sơn, TP Hà Nội đang thực hiện tổng kiểm tra hơn 1.400 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, đồng thời giám sát chặt chẽ các cơ sở đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do không bảo đảm các quy định PCCC...

Đối với các cơ sở kinh doanh trong thời gian sửa chữa, TP kiên quyết không cho phép hoạt động và nếu xảy ra sự cố đáng tiếc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ông đề xuất hai vấn đề. Thứ nhất, đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để có cơ chế huy động các lực lượng quần chúng, lực lượng bán chuyên trách tham gia công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ được rộng rãi hơn, đông đảo hơn.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 83/2017 và các thông tư, hướng dẫn của Bộ Công an có liên quan về công tác cứu hộ, cứu nạn để phù hợp với mô hình mới sau khi sáp nhập cảnh sát PCCC vào công an các tỉnh, TP trực thuộc trung ương theo mô hình mới.

Ông VÕ VĂN MINH, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương:

Trang bị máy khoan bê tông trong 3 phút

Nhắc lại vụ hỏa hoạn khiến 32 người chết, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho rằng các vụ cháy xảy ra tại quán karaoke có thiết kế xây dựng khép kín, nhà ống, nhiều vật liệu dễ cháy, có nhiều khí độc, phải sử dụng các biện pháp phá dỡ tường xây để giảm khí độc và tiếp cận để cứu nạn nhân.

Mặc dù Bộ Công an và tỉnh Bình Dương đã đầu tư thiết bị chữa cháy nhưng vụ việc vừa qua cho thấy việc tiếp cận hiện trường còn khó khăn. Việc đục tường, khoan bê tông rất khó, mỗi lỗ khoan phải mất gần 1 tiếng đồng hồ. Như vậy, thời gian vàng để cứu nạn nhân qua đi.

Ông Minh kiến nghị ngành công an cần tiếp tục quan tâm để đảm bảo thiết bị cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng, đặc biệt thiết bị tháo dỡ công trình trong thời gian ngắn nhất. Ví dụ như có thiết bị chuyên dụng khoan cắt bê tông trong vòng 3 phút, như vậy mới có khả năng thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn.

Rút ra bài học, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho rằng trong công tác thẩm định PCCC, đặc biệt là đối với các cơ sở karaoke, vũ trường, quán bar… cần hết sức chặt chẽ, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp cơi nới sai.

Cùng với đó là thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về PCCC; tăng cường công tác hậu kiểm để phát hiện kịp thời các điểm bất cập và xử lý.

PHÚC BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm