Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết Bộ LĐ-TB&XH, diễn ra ngày 17-1.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị của ngành lao động.
Tạo điều kiện cho tư nhân phát triển
Thủ tướng đánh giá cao việc giải quyết chính sách người có công và đấu tranh chống tiêu cực trong vấn đề xem xét chính sách người có công. Bên cạnh đó, đưa được số lượng lớn người lao động đi làm việc nước ngoài ở nhiều thị trường, trong đó có thị trường khó tính. Đặc biệt, ngành đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sĩ làm "rung chuyển mọi tấm lòng của người dân, mọi cấp, mọi ngành đối với đối tượng chính sách ở nước ta".
Năm 2017 Việt Nam có 16 cơn bão lớn, nhiều vùng Bắc, Trung, Nam đều thiệt hại nặng nề. Chính phủ đã xuất ra gần 130.000 tấn gạo, kịp thời, không để một người dân nào “màn trời chiếu đất, đói cơm, đứt bữa”. Điều này thể hiện trách nhiệm của Chính phủ cũng như sự góp sức của các tổ chức xã hội.
Thủ tướng đánh giá cao cá nhân bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cùng một số đơn vị đã sâu sát bằng việc đến các huyện nghèo tìm hiểu đời sống người dân để biết họ cần gì, vì sao... Thủ tướng cho rằng đó là tâm huyết, trách nhiệm mà nếu như “ngồi phòng lạnh” sẽ không biết được thực tế và đưa ra các chính sách sát với thực tế.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng ngành còn nhiều bất cập như năng suất lao động, thu nhập bình quân người lao động thấp; vấn đề việc làm, thất nghiệp cao, đặc biệt sinh viên ra trường chưa có việc làm. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chưa có sự chuyển biến mạnh, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp và xã hội.
Bên cạnh đó, việc quản lý người Việt Nam ở nước ngoài còn hạn chế, tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn, vi phạm pháp luật nước sở tại xảy ra làm mất uy tín người lao động Việt Nam ở các nước. “Vấn đề này chúng ta phải tìm giải pháp, giáo dục tốt hơn, thể chế chặt chẽ hơn nữa…” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Với một đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, việc giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo lớn, đặc biệt là các tỉnh nghèo, vùng thiên tai còn nhiều khó khăn… Ngoài ra tệ nạn ma túy, mại dâm, bạo hành trẻ em, đuối nước còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc xã hội.
Theo Thủ tướng, một chính phủ kiến tạo có nhiệm vụ tạo mọi điều kiện để thị trường hoạt động tốt và không làm những việc thị trường làm tốt hơn. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH cần nhìn thấy được gì cần làm và cái gì cần tạo điều kiện để thị trường làm, nhất là trong lĩnh vực lao động việc làm.
Xem xét tuổi nghỉ hưu
Thủ tướng khẳng định Bộ LĐ-TB&XH là hiện thân của lòng nhân văn, của một Quốc hội, Chính phủ phục vụ nhân dân dân từ lao động, người có công đến người dễ bị tổn thương. “Vậy những hồ sơ tồn đọng chờ xác minh, những dịch vụ công hỗ trợ người yếu thế, khó khăn cần được cung cấp thế nào cho hiệu quả…? Đó là một dấu hỏi đặt ra để thể hiện sự nhân văn này” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH sớm hoàn thiện các thể chế, đặc biệt là Bộ luật Lao động, trong đó có việc xem xét tuổi nghỉ hưu. “Hiện giờ người Việt Nam tuổi thọ tăng 75 tuổi rồi nhưng tuổi về hưu ở nữ vẫn 55 tuổi và 60 tuổi với nam có hợp lý không, có lãng phí, “vỡ” quỹ bảo hiểm xã hội không…?” - Thủ tướng đặt vấn đề.
Bên cạnh đó phải xã hội hóa các trường đào tạo nghề, theo Thủ tướng, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề là chìa khóa thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nhiệm vụ của Bộ là tạo ra một thị trường đào tạo nghề năng động có chất lượng kể cả nhà nước và tư nhân, cần phải chuyển mạnh từ cấp kinh phí sang đặt hàng đào tạo nghề.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cần nâng cao tính tự chủ của từng địa phương trong việc quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát triển nguồn nhân lực của từng địa phương...
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết năm 2017 ngành đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,18%; tỉ lệ lao động qua đào tạo 56%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 22,5%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 1,35% (trong đó các huyện nghèo giảm khoảng 5%). Đã trình Chính phủ ban hành nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2018. Thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương quý III-2017 là 5,36 triệu đồng, tăng 434.000 đồng (tăng 8,8%) so với cùng kỳ năm 2016. |