Thương chiến Mỹ-Trung sẽ biến thành chiến tranh lạnh kinh tế?

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) - vốn đã không được suôn sẻ vì các căng thẳng thương mại và địa chính trị - đang bị đe dọa sau khi Mỹ tuyên bố TQ là nước thao túng tiền tệ. Diễn biến này làm tăng lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế, báo SCMP (Hong Kong) dẫn ý kiến nhiều nhà phân tích.

Đầu tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ chính thức tuyên bố TQ là một nước thao túng tiền tệ. Mỹ có động thái này sau khi TQ hạ giá đồng nhân dân tệ đến mức thấp nhất trong 11 năm với hơn 7 nhân dân tệ ăn 1 đồng USD của Mỹ.

Muốn chơi rắn, chúng tôi sẽ chơi rắn

Đây là một bước đi mà theo SCMP rõ ràng nhằm trả đũa việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp gói thuế quan nữa lên hàng TQ nhập khẩu vào Mỹ. Ông Stephen Olson, nhà nghiên cứu tại tổ chức nghiên cứu về thương mại toàn cầu Hinrich Foundation (Hong Kong), cho rằng bước đi của TQ về đồng nhân dân tệ là nhằm gửi đi một thông điệp.

“Tôi nghĩ đó là một phần của cách TQ đưa ra tín hiệu với Mỹ rằng: Nhìn này, nếu quý vị muốn chơi rắn, chúng tôi cũng có thể chơi rắn” - ông Olson nói.

Về phần Mỹ, theo chuyên gia về Mỹ Huang Jing tại Viện Nghiên cứu quốc tế và khu vực thuộc ĐH Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, hành động dán nhãn một nước thao túng tiền tệ là hành động hiếm của Mỹ. Đây là lần đầu tiên Mỹ dán nhãn TQ là nước thao túng tiền tệ sau bước đi tương tự năm 1994.

Bộ Tài chính Mỹ vừa chính thức tuyên bố Trung Quốc là một nước thao túng tiền tệ. Ảnh: AFP

Bộ Tài chính Mỹ vừa chính thức tuyên bố Trung Quốc là một nước thao túng tiền tệ. Ảnh: AFP

Bộ Tài chính Mỹ ra thông báo theo yêu cầu của ông Trump - người từng nhiều lần hứa trong thời gian vận động tranh cử năm 2016 rằng ông sẽ dán nhãn TQ là nước thao túng tiền tệ một khi ông lên làm tổng thống. Theo ông Huang, bước đi này là một phần chiến lược tối đa hóa áp lực lên TQ.

“Ông Trump rõ ràng muốn TQ phải khuất phục nhanh chóng bằng cách leo thang một cách quyết liệt cuộc thương chiến với TQ. Tuy nhiên điều này khó có thể xảy ra vì xung đột Mỹ-Trung được định sẵn là tình trạng lâu dài” - ông Huang nhận định.

Trong tuyên bố ngày 5-8 Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) loại bỏ sự cạnh tranh không công bằng do hành động mới nhất của TQ gây ra.

Nguy cơ đối đầu kinh tế toàn diện

Nhiều nhà phân tích ngoại giao và kinh tế lo ngại các diễn biến mới nhất sẽ dẫn đến viễn cảnh lạnh lẽo của quan hệ song phương và có thể làm chia tách hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cả ông Huang và ông Pang Zhongying - một chuyên gia về các vấn đề quốc tế ở Bắc Kinh đều cảnh báo nếu hai bên không nhượng bộ thì quan hệ Mỹ-Trung sẽ không tránh khỏi rơi vào khủng hoảng sâu hơn.

“Chúng ta đã chứng kiến một cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ trong năm qua, giờ chúng ta có thể sẽ chứng kiến một cuộc chiến về tiền tệ và tài chính. Nó gần như chắc chắn sẽ khiến quan hệ song phương thêm phức tạp, làm leo thang hơn sự cạnh tranh vốn đã rất căng thẳng và thế đối đầu địa chính trị, cũng như tăng nguy cơ tách rời hai nền kinh tế TQ và Mỹ giữa nỗi lo sẽ có một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế” - SCMP dẫn lời ông Pang nói.

Ông Huang cũng cảnh báo một khi các tranh chấp thương mại lan sang các lĩnh vực tiền tệ và tài chính thì sẽ có một cuộc đối đầu kinh tế toàn diện, và “không bên nào có thể thắng mà không phải chịu đựng sự mất mát lớn”.

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng mâu thuẫn mới nhất quanh chuyện Mỹ dán nhãn TQ thao túng tiền tệ sẽ là một màn sương che phủ vòng đàm phán thương mại tiếp theo giữa hai nước đã lên lịch sẽ diễn ra vào tháng 9.

Từ trái sang: Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong một vòng đàm phán thương mại ở Thượng Hải (Trung Quốc) hồi tháng 7. Ảnh: NYT

Từ trái sang: Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong một vòng đàm phán thương mại ở Thượng Hải (Trung Quốc) hồi tháng 7. Ảnh: NYT

Nhà kinh tế trưởng Tao Wang tại Ngân hàng Đầu tư UBS cho rằng rủi ro leo thang cuộc chiến thương mại đã tăng lên.

“Chúng tôi nghĩ rằng bước đi mới nhất của Mỹ khả năng lớn sẽ làm cứng rắn hơn quan điểm của TQ trong thương lượng thương mại” - bà Wang nhận định.

Theo bà Wang, TQ có thể xem việc mình bị Mỹ dán nhãn là nước thao túng tiền tệ và việc Mỹ tăng thuế quan như chứng cứ nữa cho thấy chính quyền Trump không muốn sớm có được một thỏa thuận thương mại. Và điều này sẽ làm TQ giảm động lực đưa ra thêm các nhượng bộ.

“Chờ xem TQ sẽ phản ứng thế nào với bước đi mới nhất của Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng có sự gia tăng rủi ro kế hoạch đối thoại thương mại dự kiến diễn ra vào tháng 9 sẽ bị trì hoãn hoặc sẽ bị hủy” - bà Wang nói.

Với TQ, trong trường hợp dù có đạt được một thỏa thuận thương mại đi nữa thì nước này cũng nhận được quá ít. Chưa kể thời điểm này thì đã quá trễ để nước này ngăn chặn làn sóng các công ty nước ngoài rời bỏ TQ đại lục.

Nhà kinh tế trưởng Bo Zhuang tại công ty nghiên cứu thị trường TS Lombard dự đoán chiến lược của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình có thể sẽ là đổ lỗi cho ông Trump. Ông Tập đang phải chịu áp lực ngày càng cao từ trong nước và quốc tế trong quan hệ với Mỹ.

Nỗ lực mở rộng phạm vi tấn công TQ lên trên cả thương mại của ông Trump mang lại cho ông Tập cơ hội dàn xếp chính sách đối phó theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Theo ông, TQ sẽ đổ lỗi cho Mỹ nếu đà tăng trưởng của quốc gia Đông Á chậm hơn nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm