Ngày 6-8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cảnh cáo việc Mỹ quyết định dán nhãn Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự tài chính quốc tế và gây hỗn loạn thị trường tài chính”, hãng Reuters đưa tin.
Ngoài ra, theo PBOC, quyết định của Mỹ làm gia tăng căng thẳng tiền tệ, “ngăn cản sự hồi phục kinh tế và thương mại toàn cầu”.
Trong tuyên bố trên trang web của mình, PBOC khẳng định Trung Quốc “đã không và sẽ không sử dụng tỷ giá hối đoái như một công cụ đối phó với các tranh chấp thương mại”.
“Trung Quốc khuyên Mỹ nên kiềm cương ngựa trước vách núi, nhận thức sai lầm của mình, và quay đầu khỏi con đường sai lạc” – PBOC tuyên bố.
Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của Trung Quốc sau khi Mỹ có động thái dán nhãn Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
Chiều 5-8 (giờ Mỹ), Bộ Tài chính Mỹ chính thức tuyên bố Trung Quốc là một nước thao túng tiền tệ, một bước đi mà Mỹ đã kiềm chế rất lâu, báo SCMP (Hong Kong) đưa tin. Lần gần nhất Trung Quốc bị Mỹ chính thức tuyên bố là nước thao túng tiền tệ là vào năm 1994, dưới thời chính phủ Bill Clinton.
Đồng USD của Mỹ (trái) và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc (phải). Ảnh: REUTERS
Những ngày gần đây chứng kiến nhiều diễn biến quan trọng trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Ngày 1-8, ông Trump thông báo rằng từ ngày 1-9 tới Mỹ sẽ áp mức thuế 10% lên số hàng Trung Quốc nhập khẩu còn lại trị giá 300 tỉ USD, đáp trả việc Trung Quốc giảm mua hàng nông sản Mỹ.
Đến ngày 5-8, Trung Quốc phản pháo bằng cách hạ giá đồng nhân dân tệ thấp đến mức hơn 7 nhân dân tệ ăn 1 USD, mức thấp nhất trong tới 11 năm, đồng thời đe dọa ngưng nhập nông sản Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ quyết định dán nhãn Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ sau khi chứng khoán Mỹ ngày 5-8 chịu một phen giảm giá mạnh nhất trong năm 2019. Tất cả ba chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ đều giảm trung bình 3% trong ngày giao dịch 5-8, trở về mức giá của một năm trước.
Trong tuyên bố ngày 5-8, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết sẽ phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm loại bỏ sự cạnh tranh không công bằng do hành động mới nhất của Trung Quốc gây ra.
Chưa biết sắp tới Mỹ sẽ có hành động gì nhưng trước mắt trong ngày 6-8 đồng Nhân dân tệ vẫn tiếp tục giảm giá. Diễn biến này càng làm khoảng cách bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới thêm xa và làm mờ nhạt thêm hy vọng có được một giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến thương mại hai bên đã kéo dài hơn một năm qua.
Liệu Trung Quốc sẽ trả đũa thế nào? Truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo nước này có thể sử dụng ưu thế xuất khẩu đất hiếm của mình sang Mỹ như một công cụ thương lượng trong tranh chấp thương mại. Giá cổ phiếu một số công ty liên quan lĩnh vực đất hiếm Trung Quốc đã tăng trong ngày giao dịch 6-8, trong bối cảnh có đồn đoán đất hiếm có thể là mặt trận tiếp theo của cuộc chiến thương mại.
Trung Quốc cũng có thể gia tăng thêm áp lực với các công ty Mỹ hoạt động tại nước mình, một số nhà phân tích nhận định. Hồi tháng 6 Trung Quốc ban hành một cảnh báo đi lại với công dân mình về rủi ro di chuyển đến Mỹ, dẫn ra các lo ngại về bạo lực súng ống, cướp của, trộm cắp.
Một diễn biến nghiêm trọng nữa là Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 6-8 thông báo các công ty nước này đã ngưng mua nông sản Mỹ, trả đũa đe dọa đánh thuế mới nhất của Mỹ.
Với các diễn biến mới này các nhà phân tích lo ngại tình hình cuộc thương chiến giữa hai nước sẽ còn nghiêm trọng hơn, có nguy cơ tác động sâu hơn vào niềm tin kinh doanh toàn cầu cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu.