Mỹ-Trung thương chiến, Đức 'dính đòn'

Học giả Sebastian Dullien từ Viện nghiên cứu kinh tế vĩ mô và chu kỳ kinh doanh cáo buộc Thủ tướng Đức Angela Merkel đã né tránh khi nói về tác động của cuộc chiến thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh. Ông Dullien tuyên bố cuộc chiến này đã gây ảnh hưởng xấu đến Berlin, theo tờ Express.

Khi được hỏi về tình hình kinh tế hiện tại ở Berlin, nguồn cung cấp tài chính lớn nhất cho Liên minh châu Âu (EU), ông Dullien nói: “Nền kinh tế Đức hiện đang bị treo trên sợi chỉ”. Ông cũng nói thêm về căng thẳng kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc: “Chúng tôi đang có mức phát triển mà chúng tôi chưa bao giờ đạt được trong những kỳ phát triển trước đó. Cụ thể là thực sự chu kỳ công nghiệp đã giảm do nhu cầu xuất khẩu yếu, nhưng cùng lúc đó nền kinh tế trong nước vẫn đang vận hành”.

Ông nói thêm: “Những tranh chấp thương mại toàn cầu đang diễn ra đã ảnh hưởng đến Đức. Mặc dù chúng tôi chưa bị áp bất kỳ mức thuế trừng phạt đáng kể nào đối với các sản phẩm của Đức, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng đến ngành công nghiệp Đức”.

Mỹ-Trung thương chiến, Đức 'dính đòn' ảnh 1
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng kinh tế ở Đức. Ảnh: Express

Nguyên nhân là do rất nhiều công ty công nghiệp ở Trung Quốc và các nhà cung cấp châu Á đang sử dụng máy móc và thiết bị của Đức.

“Đối với họ, cuộc chiến thương mại là một gánh nặng lớn. Bên cạnh đó, họ không chắc liệu họ có thể tiếp tục sản xuất hay không, vì vậy họ đã tạm dừng hoặc hủy bỏ các đơn đặt hàng” - ông Dullien cho biết. “Đó là một trong những lý do tại sao ngành máy móc và kỹ thuật nhà máy của Đức đang không phát triển tốt”.

Ông Dullien cũng không thể trả lời câu hỏi về việc liệu Tổng thống Trump có đạt được kết quả thương mại cân bằng mà ông đang tìm kiếm với Trung Quốc hay không.

Ông Dullien nói: Có thể đạt được một giao dịch cân bằng hơn hay không là một câu hỏi rất thú vị vì chúng ta thực sự biết quá ít. Có một số nghiên cứu về tác động của thuế quan đối với cân bằng thương mại, nhưng theo quan điểm của tôi, chúng không áp dụng đúng cho trường hợp cụ thể này.”

“Tất nhiên, những gì ông Donald Trump đang đạt được là việc gây tổn hại Trung Quốc. Và tôi nghĩ một trong những mục tiêu của ông ta thực sự là gây thiệt hại cho Trung Quốc. Chúng ta không được quên, đây không chỉ là về kinh tế, mà là về địa chính trị”, học giả Dullien cho biết.

“Trung Quốc muốn trở thành một trong những quốc gia quan trọng nhất và mạnh nhất trên thế giới. Trung Quốc cũng muốn trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ trong một số ngành công nghiệp, và Mỹ muốn ngăn chặn điều này. Có lẽ chính sách hải quan của ông Donald Trump có thể thành công ở đây” - ông nói.

Ông cũng nói rằng: “Mặc dù chúng tôi chưa giảm được sự mất cân bằng thương mại nước ngoài nhưng mức phát triển hiện tại ít nhất được hỗ trợ bởi tiêu dùng và đầu tư xây dựng. Nhưng một trụ cột bị thiếu ở đây, đó là các khoản đầu tư công. Thật ra, những gì chúng ta cần bây giờ là một hành động tập trung của chính phủ có thể giúp ổn định kỳ vọng của ngành công nghiệp Đức”.

Cuối cùng, ông Dullien kêu gọi bà Merkel can thiệp.

Ông nói: “Tôi hy vọng là chính phủ có thể ngay bây giờ ngừng quan tâm đến nhiều chi tiết nhỏ nhặt và tập trung vào các nhiệm vụ lớn của đất nước trong khi tình hình đang trở nên nghiêm trọng hơn và khi tiếng nói kêu gọi đầu tư từ các công đoàn và từ chủ công ty ngày càng tăng.”

Các nhận định của ông Dullien được đưa ra khi Đức đang hướng đến một cuộc suy thoái toàn diện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm