Tiến sĩ (TS) Nguyễn Việt Phương, nghiên cứu viên tại Trung tâm Belfer, ĐH Harvard (Mỹ), nhận định khó có khả năng cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un vào cuối tháng 2 tới đây tại Hà Nội đạt được đột phá có ý nghĩa về mặt phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Tuy nhiên, chắc chắn hai bên sẽ nỗ lực đạt được bước tiến mới trong việc tiến tới một tuyên bố về việc chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Đàm phán hạt nhân vẫn sẽ là một chủ điểm của cuộc gặp, nhưng những khác biệt quá lớn của hai bên về khái niệm phi hạt nhân hóa sẽ khiến tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Kim Jong-un chỉ có thể đạt được những đồng thuận mang tính bước đầu về thanh sát hạt nhân và khai báo hạt nhân.
Dù vậy thì bất cứ bước đi nào của lãnh đạo hai nước giúp cải thiện tình hình an ninh và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á cũng là một bước đi đáng hoan ngênh. Đó cũng sẽ là dấu mốc quan trọng cho Việt Nam trên con đường trở thành một quốc gia chủ động, tích cực trong vai trò làm trung gian thúc đẩy cho hòa bình và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
+ Phóng viên: Trong lần phát biểu trên Pháp luật TP.HCM vào năm ngoái, ông nhận “Việc Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân gần như đã đạt được đồng thuận trong giới nghiên cứu và đa phần giới làm chính sách”. Thay vào đó, “Hạt nhân - kinh tế - ngoại giao sẽ là kiềng ba chân của Triều Tiên trong tương lai”. Tuy nhiên, Washington cho thấy quyết tâm trong việc thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân. Trong cuộc gặp lần này, theo ông Triều Tiên và Mỹ có tiếp tục “bế tắc” trong quan điểm phi hạt nhân hóa?
. Nguyễn Việt Phương: Trong thông điệp đầu năm 2019 của mình, lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un đã một lần nữa nhấn mạnh đường lối “kiềng ba chân” của Triều tiên như tôi đã nhận định trong bài phỏng vấn năm ngoái. Cụ thể, ông Kim dành tới một nửa thời lượng thông điệp đầu năm để đề cập đến các vấn đề kinh tế, đồng thời tái khẳng định quan điểm muốn thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc và Mỹ.
Ông Kim cũng tiếp tục tuyên bố Triều Tiên “sẽ không thử, sử dụng, hoặc phổ biến vũ khí hạt nhân” thay vì “từ bỏ vũ khí hạt nhân” như chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn luôn mong muốn.
Các động thái khác của Triều Tiên kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Singapore cũng cho thấy chính sách nhất quán này của Triều Tiên khi ông Kim cho phá hủy một số bãi thử của chương trình hạt nhân – tên lửa đạn đạo, nhưng dứt khoát từ chối việc xóa bỏ các thành quả đã đạt được của chương trình này. Bình Nhưỡng còn cử quan chức ngoại giao Triều Tiên tiến hành viếng thăm cấp cao ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, và ngỏ ý muốn cải tổ kinh tế theo mô hình của Trung Quốc hoặc Việt Nam.
Về phía mình, tuy từ chối đưa ra một hạn chót cụ thể cho việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nhưng chính quyền tổng thống Donald Trump vẫn kiên quyết rằng Mỹ sẽ chỉ dỡ bỏ cấm vận nếu Triều Tiên thực sự được phi hạt nhân hóa một cách “hoàn toàn, có thể kiểm chứng, và không thể đảo ngược được” (complete, verifiable and irreversible dismantlement - CVID). Vì vậy, hai phía Triều Tiên và Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục bế tắc trong việc đưa ra một quan điểm chung về khái niệm “phi hạt nhân hóa” hay thiết lập một lộ trình cụ thể về mặt thời gian cho đàm phán hạt nhân trong thời gian tới.
Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy ông Trump trong thời gian vừa qua cũng không còn quá nhấn mạnh vào vấn đề phi hạt nhân hóa ngay lập tức trong các phát biểu và “tweet” của mình. Bên cạnh đó, ông Kim cũng thể hiện sự linh hoạt nhất định trong chính sách đối ngoại thông qua việc chủ động phá hủy các bãi thử và đồng ý tiếp tục đàm phán với cả Mỹ và Hàn Quốc trong bối cảnh các lệnh cấm vận Triều Tiên vẫn chưa hề được gỡ bỏ.
Vì vậy, cuộc gặp Trump-Kim lần hai vẫn có khả năng đạt được một số bước tiến nhất định. Điển hình ở các khía cạnh như xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là việc mở ra khả năng tuyên bố kết thúc cuộc đối đầu vốn vẫn đang ở trạng thái “đình chiến” suốt hơn nửa thế kỷ qua. Bình Nhưỡng có thể cho phép thanh sát viên quốc tế vào giám sát quá trình phá hủy các cơ sở hạt nhân không quan trọng của Triều Tiên. Đổi lại, Mỹ nới lỏng cấm vận, tạo điều kiện cho tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiếp tục triển khai chính sách “Ánh dương” trong việc hợp tác với Triều Tiên, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
+ Việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc vẫn còn bỏ ngỏ. Cuộc gặp lần này giữa ông Trump và ông Kim, triển vọng giải quyết vấn đề này ra sao?
. Mỹ sẽ không rút quân khỏi Hàn Quốc, đặc biệt là sau khi Hàn Quốc vừa đồng ý nhượng bộ với chính quyền tổng thống Donald Trump về việc tăng kinh phí đóng góp của phía Hàn Quốc cho việc Washington duy trì sự hiện diện quân sự tại quốc gia này. Trong bối cảnh cả Mỹ và đồng minh thân cận là Nhật Bản đang muốn kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Á bằng các động thái tăng đầu tư quân sự, tái khẳng định liên minh quân sự, thì sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc lại càng có ý nghĩa trong việc răn đe các hoạt động quân sự của cả Triều Tiên và Trung Quốc.
Vì vậy, ngay cả trong trường hợp ông Donald Trump và ông Kim Jong-un đạt được thỏa thuận về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên, khả năng Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc gần như bằng không.
+ Ông đánh giá khả năng đóng góp của cuộc gặp lần này vào tiến trình giải quyết cuộc chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên – vốn đang ở trạng thái “đình chiến” chứ vẫn chưa có một hiệp ước hòa bình được thiết lập suốt từ năm 1953, và Triều Tiên đang kêu gọi hiệp ước hòa bình tại đây)?
. Vì đàm phán hạt nhân nhiều khả năng vẫn sẽ ở trong trạng thái bế tắc do khác biệt giữa hai bên, một kịch bản khả dĩ cho ông Kim Jong-un và đặc biệt là ông Donald Trump là chuyển hướng đàm phán sang vấn đề kết thúc chiến tranh.
Sau những rắc rối chính trị nội bộ trong thời gian vừa qua khiến tỉ lệ ủng hộ của công chúng Mỹ giảm xuống dưới 40%, tổng thống Trump sẽ cần một “thắng lợi”, dù chỉ là thắng lợi mang tính hình thức ở mặt trận ngoại giao để củng cố niềm tin của người Mỹ với chính quyền của ông trong giai đoạn khởi động rất quan trọng cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020.
Việc xác lập được một tuyên bố kết thúc cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên hoàn toàn có thể coi là một thắng lợi về mặt ngoại giao của ông Trump, và cũng là mong muốn chung của cả Triều Tiên và Hàn Quốc. Tuy không có nhiều giá trị thực chất, nhưng một tuyên bố như thế nhiều khả năng sẽ đánh trúng tâm lý của công chúng Mỹ về việc phản đối chi tiêu quân sự quá lớn hay can thiệp quân sự vào các nước khác.
Tất nhiên, cần nhấn mạnh rằng phía Mỹ nhiều khả năng sẽ chỉ dừng lại ở việc đàm phán hướng tới một tuyên bố kết thúc chiến tranh. Bởi lẽ, một hiệp ước hòa bình đòi hỏi yêu cầu pháp lý cao hơn như sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ - vốn đã không còn hoàn toàn nằm trong quyền kiểm soát của Đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump. Hiệp ước hòa bình cũng cần có sự tham vấn của Trung Quốc – một trong các bên ký kết hiệp định đình chiến năm 1953 nhưng lại đang có quan hệ ngoại giao và kinh tế tương đối căng thẳng với Mỹ.
Hơn nữa, việc đưa ra một tuyên bố chung về việc kết thúc chiến tranh (thay vì ký kết một hiệp ước hòa bình) sẽ không đòi hỏi phía Mỹ phải xem xét lại sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc – một vấn đề mà chắc chắn ông Trump hay bất cứ tổng thống nào của Mỹ đều muốn đem ra làm điều kiện mặc cả.
+ Tâm thế và động thái của Trung Quốc với cuộc gặp Mỹ-Triều lần 2 này sẽ như thế nào, nhất là khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệm chấm dứt mà còn trầm trọng hơn theo thời gian?
. Kể từ đầu năm 2018 đến nay, quan hệ Trung – Mỹ và Trung – Triều đang đi theo chiều hướng hoàn toàn trái ngược. Trong khi chính quyền của tổng thống Donald Trump đang tiến hành rất nhiều biện pháp từ hàng rào thuế quan, công cụ pháp lý, cho tới tuyên truyền để đánh trực diện vào các lợi ích của chính quyền Trung Quốc và các công ty Trung Quốc, thì ông Kim Jong-un lại liên tục thăm viếng Bắc Kinh và mời Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Bình Nhưỡng để cải thiện quan hệ Trung – Triều sau vài năm căng thẳng.
Tuy nhiên, dù kết quả cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc có kết thúc thế nào, thì nhiều khả năng ông Tập Cận Bình vẫn sẽ ủng hộ cho cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump. Lý do là vì sự ổn định và an ninh ở khu vực Đông Bắc Á cũng được coi là một mục tiêu chiến lược của chính quyền Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc đang cần xây dựng hình ảnh một cường quốc mới nổi yêu chuộng hòa bình, việc ủng hộ một cuộc gặp “vì hòa bình” như hội đàm Trump-Kim lần thứ hai cũng là một động thái cần có của phía Trung Quốc.
Dù vậy cũng cần phải lưu ý rằng không loại trừ khả năng ông Tập Cận Bình tìm cách tác động tới nội dung và kết quả của cuộc đàm phán. Bắc Kinh có thể thông qua các gợi ý đối với cá nhân ông Kim Jong-un về việc thúc đẩy ký kết hiệp định hòa bình (vốn sẽ cần có vai trò của Trung Quốc) và đàm phán về việc rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc (vốn là mục tiêu chiến lược dài hạn của Trung Quốc).
Cần nói thêm ở đây là nếu chiến tranh thương mại Trung – Mỹ ngày càng trầm trọng, thì có khả năng ông Tập Cận Bình sẽ tìm cách tác động tới quan hệ Mỹ - Triều thông qua việc giảm áp lực cấm vận kinh tế cho Triều Tiên. Mục tiêu của Bắc Kinh là kéo Bình Nhưỡng lại gần hơn với Trung Quốc và làm giảm tầm ảnh hưởng của chính quyền Donald Trump lên các quyết sách đối ngoại của Triều Tiên.
Trung Quốc và Nga đã cố gắng tiếp cận vấn đề Triều Tiên theo hướng này từ khoảng 1 năm trở lại đây thông qua các lời kêu gọi tại Hội đồng Bảo an về việc nới lỏng cấm vận đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, nếu quan hệ Trung – Mỹ tiếp tục căng thẳng thì hoàn toàn có kịch bản là ông Tập Cận Bình sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc giảm áp lực cho Triều Tiên thông qua các chính sách phá rào cấm vận của chính quyền Trung Quốc cho Triều Tiên.
+ Hàn Quốc vẫn là bên ủng hộ mạnh mẽ nhất việc cải thiện quan hệ Mỹ-Triều. Nước này có thể sẽ triển khai các hoạt động nào để thúc đẩy mục tiêu lập lại hòa bình khu vực?
. Về mặt đối nội, chính quyền của tổng thống Moon Jae-in trong thời gian vừa qua đã gặp một số rắc rối. Lý do là vì các bê bối có liên quan tới các chính trị gia thân cận với tổng thống Moon và sự ủng hộ có phần giảm sút của công chúng Hàn Quốc với đương kim tổng thống do nhiều lời hứa cải cách xã hội của ông Moon vẫn chưa được hiện thực hóa. Trong bối cảnh này thì hơn ai hết, ông Moon rất cần một kết quả tích cực từ đàm phán Mỹ - Triều để làm nền tảng cho cuộc gặp lịch sử với ông Kim trong thời gian tới tại Seoul.
Một tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ là một kết quả mà tổng thống Moon chờ đợi từ cuộc gặp của Trump và Kim tại Hà Nội. Sẽ là tốt hơn nữa cho Hàn Quốc nếu các cơ chế song phương và đa phương về việc đưa giám sát viên quốc tế vào Triều Tiên chứng kiến các hoạt động phá hủy cơ sở hạt nhân và tên lửa sẽ được thống nhất sau cuộc gặp cuối tháng 2 này. Chắc chắn tại thời điểm hiện tại, các quan chức trong chính quyền Moon Jae-in đang làm việc hết mình để có thể thu hẹp bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên trong các vấn đề này.
+ Lãnh đạo Mỹ từng nhận định mô hình mở cửa nền kinh tế của Việt Nam sẽ là một gợi ý khả dĩ và hiệu quả đối với Triều Tiên. Liệu cuộc gặp Trump-Kim lần 2 diễn ra tại Hà Nội có mang lại những dấu hiệu có thể giúp chúng ta hình dung mô hình phát triển kinh tế của Bình Nhưỡng thời gian tới?
. Việc học hỏi mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam hay Trung Quốc không chỉ là gợi ý của các quan chức Mỹ đối với chính quyền Triều Tiên. Chính các quan chức Triều Tiên trong thời gian vừa qua, như bộ trưởng ngoại giao Ri Yong Ho, cũng đã cho thấy bản thân chính quyền Kim Jong-un đã có mong muốn này. Vì vậy, thông tin Triều Tiên đồng ý lựa chọn Hà Nội là nơi tổ chức cuộc gặp Trump – Kim lần thứ 2 rõ ràng cho thấy ông Kim sẽ nghiên cứu triển khai một chính sách cải tổ kinh tế có tham khảo từ mô hình chính sách Đổi Mới của Việt Nam trong thập niên 1980.
Cách tiếp cận cụ thể của ông Kim trong vấn đề đổi mới kinh tế cho Triều Tiên vẫn sẽ là một câu hỏi lớn của giới nghiên cứu như tôi, và của chính những người làm chính sách trong chính quyền Kim Jong-un.
Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn ông Kim Jong-un muốn biến Triều Tiên trở thành một quốc gia có nền kinh tế năng động, giảm bớt mức độ tập trung hóa, tăng cường vai trò của kinh tế cá thể, nhưng vẫn phải đảm bảo sự ổn định về mặt thể chế, duy trì an ninh quốc gia, và củng cố vị thế của Đảng Lao động Triều Tiên. Đây cũng là lý do vì sao Triều Tiên trong thời gian vừa qua đã sẵn sàng đi trước một bước trong việc tiến hành các hoạt động phá hủy bãi thử, hay ngỏ ý cho phép thanh sát viên quốc tế vào theo dõi các hoạt động phá hủy này để đổi lấy việc được nới lỏng cấm vận.
Việc ông Kim Jong-un chủ động cải thiện quan hệ với cá nhân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông qua các chuyến thăm liên tiếp đến Bắc Kinh cũng cho thấy Triều Tiên sau một giai đoạn căng thẳng về ngoại giao, kinh tế với Trung Quốc cũng đang muốn tìm lại chỗ dựa chủ yếu về kinh tế từ đồng minh lớn.
Ngay cả quan hệ nồng ấm với chính quyền Moon Jae-in trong thời gian vừa qua cũng được cụ thể hóa qua một số hoạt động về kinh tế, vốn đang bị cộng đồng quốc tế đặt dấu hỏi về tính hợp pháp trong bối cảnh Triều Tiên vẫn đang chịu lệnh cấm vận chính thức từ cả Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Mỹ. Bởi nguồn lực từ bên ngoài dưới dạng đầu tư hay viện trợ kinh tế sẽ là điều kiện tiên quyết cho bất cứ tham vọng cải tổ kinh tế nào của chính quyền Kim Jong-un. Triều Tiên sẽ làm tất cả những gì có thể để đạt được điều kiện cần cho cải tổ kinh tế.
Tuy nhiên, ở đây cũng cần phải thấy rằng mở cửa về mặt kinh tế sẽ kéo theo nguy cơ bất ổn xã hội khi người dân Triều Tiên được tiếp xúc với các luồng thông tin từ bên ngoài, hay chịu tác động từ các tổ chức dân chủ của Mỹ, Hàn Quốc – vốn luôn duy trì quan điểm muốn lật đổ chính quyền Kim Jong-un.
Đây là một mâu thuẫn không dễ giải quyết đối với ông Kim Jong-un, bên cạnh mâu thuẫn có sẵn giữa Triều Tiên và Mỹ về khái niệm “phi hạt nhân hóa” vốn đã cản trở việc nới lỏng, tiến tới gỡ bỏ cấm vận đối với Triều Tiên trong thời gian vừa qua. Vì những mâu thuẫn này nên chưa chắc Triều Tiên sẽ có thể triển khai ngay một mô hình cải tổ kinh tế thần tốc kiểu Việt Nam hay Trung Quốc, mà hướng tới một quá trình mang tính dài hạn hơn.