Ngày 9-8, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Viện, Bí thư Huyện ủy Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) cho hay: Những ngày qua mưa to, lượng nước tràn về thủy điện Đắk Kar rất lớn dẫn đến kẹt van, không vận hành được.
Mưa lũ làm ngập lũ cục bộ nhiều địa phương
"Hện tại mực nước đã rút xuống được hơn 2m so với hôm qua. Từ tối 8-8 nước đã rút xuống 1m, đến sáng nay rút thêm một 1m nước nữa. Hiện tại tình hình hồ đập thủy điện Đắk Kar vẫn trong mức an toàn", ông nói.
Ông cũng cho hay: Lực lượng túc trực tại chỗ báo về hồ thủy điện trên vẫn an toàn. Trong hôm nay và những ngày tới nếu không có mưa lớn thì hồ đập không có khả năng bị vỡ. "Cơ quan chức năng vẫn đang túc trực để theo dõi và cảnh báo người dân địa phương không lại gần, đồng thời sẵn sàng ứng cứu nếu có sự cố”, ông Viện thông tin.
Hiện mưa lũ diễn biến phức tạp, nhiều nhà dân bị ngập và hoa màu chìm trong biển nước. Chính quyền địa phương đang thống kê thiệt hại...
Trước đó, PLO đã thông tin Theo đó, chiều 8-8, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã ký công điện khẩn gửi các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng cùng Bộ Công thương và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, để cảnh báo nguy cơ vỡ đập thủy điện.
Theo báo cáo từ tỉnh Đắk Nông, công trình hồ thủy điện Đắk Kar tại huyện Đắk R’Lấp có dung tích 13 triệu mét khối hiện trong thời gian thi công nhưng đang gặp sự cố kẹt cửa van. Do ảnh hưởng của mưa lũ những ngày qua, nước đã tràn qua đập, gây sạt lở ở vị trí chân đập và có nguy cơ cao xảy ra vỡ đập, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của các khu vực dân cư ở các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và Lâm Đồng. Đặc biệt trong điều kiện khu vực được dự báo còn tiếp tục có mưa lớn từ 800 - 100 mm/24 giờ, có nơi trên 100 mm.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương khẩn trương thông tin về sự cố đập tới chính quyền các cấp và người dân; tổ chức di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng, chủ đập và các cơ quan chức năng phải tìm mọi cách để hạ thấp mực nước, tránh tình huống vỡ đập đột ngột.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và diễn biến về sự cố; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động ứng phó, xử lý khi có tình huống xấu xảy ra. Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Cũng do mưa lớn những ngày qua trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã làm sáu người tử vong. Trong đó, ba người trong một gia đình ở Đắk Nông bị đất đá đè, riêng Lâm Đồng, Đắk Lắk và Gia Lai mỗi địa phương có một người tử nạn. Mưa lũ cũng khiến hàng ngàn hecta hoa màu bị ngập úng, hàng trăm nhà dân bị ngập, nhiều ao nuôi cá bị nước nhấn chìm...