Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trường Ảnh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước TP Đà Nẵng cho hay chỉ có thể giải quyết được hạn hán, nhiễm mặn khi thủy điện thượng nguồn tuân thủ quy trình xả nước.
“Các nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia xả nước thường xuyên người dân Đà Nẵng còn sống được chứ. Họ cắt xả khoảng một tuần là dân chết mặn ngay” - ông Ảnh nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Thanh Hòa - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cho biết từ đầu năm đến nay tất cả sông của Đà Nẵng đều bị nhiễm mặn. Đặc biệt là sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn tới 24 ngày. Hậu quả khiến 800 ha hoa màu của người dân bị thiếu nước. Tại đây độ mặn luôn cao, có lúc lên đến hơn 13 lần mức cho phép.
Thủy điện Đắk Mi4 không chịu xả nước. Ảnh: Lê Phi
"Trong khi đó thủy điện Đắc Mi 4 vẫn không chịu xả nước về sông Vu Gia mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ra Quy trình vận hành liên hồ chứa Vu Gia - Thu Bồn. Từ tháng 12-2015 tới nay, mỗi tháng thủy điện Đắc Mi 4 chỉ xả đúng quy trình 10 ngày còn lại đều xả dưới 3 m3/giây" - ông Hòa nói.
Giải trình trước việc này, ông Đinh Hữu Tấn - Giám đốc thủy điện Đắc Mi 4, cho rằng: “Lưu lượng nước về hồ thủy điện không đủ và thường xuyên thay đổi nên nhà máy vận hành rất khó khăn. Không phải thủy điện Đắc Mi 4 muốn ăn gian nước của hạ lưu sông Vu Gia”.
Kết luận vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT, ông Hoàng Văn Bảy nhận định tình hình các nhà máy thủy điện ở sông Vu Gia-Thu Bồn chưa đến mức báo động. Các nhà máy thủy điện ở đây phải làm theo đúng quy trình vận hành liên hồ để đáp ứng nguồn nước cho hạ lưu.
Ngoài ra, thủy điện Đắc Mi 4 và thủy điện Sông Bung 4 phải lắp đặt ngay hệ thống camera giám sát tự động xả nước để các Bộ và địa phương có thể giám sát việc xả nước về hạ lưu.