Thụy Điển sống với bom nổ chậm

Bất chấp lời kêu gọi của Thủ tướng Fredrik Reinfeldt, đêm 22-5 (giờ địa phương) là đêm thứ tư liên tiếp xảy ra bạo động tại các khu phố nghèo ở ngoại ô thủ đô Stockholm. Các thanh niên đốt xe, đập vỡ cửa kính, ném đá và phóng hỏa. Bạo động cũng đã xảy ra tại Malmoe ở miền Nam.

Bạo động bắt đầu sau khi cảnh sát bắn chết một cụ già 69 tuổi cầm rìu trong một chung cư ở quận ngoại ô Husby (TP Stockholm) hôm 13-5. Tổ chức Megafonen đã yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập và cảnh sát phải xin lỗi nhưng không nhận được phản hồi. Trong bốn đêm bạo động, một số cửa hàng, trường học, đồn cảnh sát và trung tâm văn hóa bị thiệt hại.

Thực ra nguồn gốc dẫn đến bạo động còn sâu xa hơn. Tổ chức Megafonen nhận định Thụy Điển đang ngày càng phân hóa về xã hội và kinh tế. Bộ trưởng Tư pháp Beatrice Ask chia sẻ: “Bị loại trừ khỏi xã hội là một nguyên nhân rất quan trọng và đặt ra nhiều vấn đề. Chúng tôi hiểu điều đó”.

Sau nhiều thập niên nổi tiếng với mô hình phát triển dựa trên nguyên lý nhà nước bảo trợ, từ những năm 1990, vai trò của nhà nước bắt đầu giảm dần ở Thụy Điển, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng gia tăng cao nhất trong 34 nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Ví dụ tiêu biểu như giáo dục. Các trường ở ngoại ô như ở quận vùng ven Husby không thu hút được học sinh vì phụ huynh chạy cho con học ở trường trong thành phố. Hệ quả là trường ngoại ô thu được ít tiền, từ đó không có nguồn tài chính thu hút giáo viên. Rốt cuộc khoảng 50% học sinh ở quận Husby không đủ trình độ học phổ thông trung học.

Husby là địa phương có nhiều dân nhập cư sinh sống. Vấn đề sinh sống trong nhà cửa chật hẹp cũng ảnh hưởng đến chuyện học tập của học sinh. Mỗi lần sửa nhà là chủ nhà thuê lại tăng giá. Nhiều gia đình phải sống chen chúc 15 người một nhà. Chỉ cần sống cách nhau vài trạm xe buýt, tuổi thọ bình quân cũng đã chênh lệch vài ba năm.

Reuters ghi nhận bạo động ở Thụy Điển tuy kém nghiêm trọng hơn ở Anh và Pháp, tuy nhiên cho thấy dù ở các nước ít bị tác động xấu của khủng hoảng tài chính châu Âu như Thụy Điển thì dân nghèo vẫn phải gánh chịu hậu quả của chính sách thắt lưng buộc bụng, đặc biệt là dân nhập cư.

Tại quận Husby, hầu hết các trung tâm dành cho thanh niên đóng cửa. Nhiều dịch vụ công ngừng hoạt động mấy năm gần đây. Tỉ lệ thất nghiệp cao gấp 2,5 lần so với phần còn lại của thủ đô. Tỉ lệ thất nghiệp trong đối tượng người gốc nước ngoài ở Thụy Điển cao gấp ba lần dân chính gốc. Nhiều thanh niên không học hành, không việc làm đã trở thành quả bom nổ chậm trong lòng xã hội.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm