Thủy điện Tam Hiệp ở Trung Quốc: Cuộc chiến luận chứng

Trước đó và sau đó, cuộc tranh luận giữa một bên là những người ủng hộ xây dựng do Lâm Nhất Sơn và sau đó là Viện sĩ Phan Gia Tranh đứng đầu và một bên phản đối xây dựng là ông Lý Nhuệ, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng đầu, đã diễn ra một cách gay gắt. Lịch sử cuộc tranh luận có thể tóm tắt như sau.

1- Giữa những năm 50 của thế kỷ trước, sau khi nước CHND Trung Hoa được thành lập, Chính phủ Trung Quốc đã lập luận chứng xây dựng công trình thủy điện Tam Hiệp. Lý Nhuệ khi đó với tư cách là một cán bộ khoa học thủy điện đã dẫn đầu phái phản đối.

Cuộc quyết chiến giữa hai phái "làm" và "không làm" diễn ra vào năm 1958, tại Hội nghị Nam Kinh. Khi đó Lâm Nhất Sơn là Trưởng ban trị thủy sông Trường Giang, có danh vọng và quyền hành rất lớn. Lý Nhuệ chỉ là trợ lý Bộ trưởng Điện lực, kiêm Cục trưởng của Tổng cục Thủy điện.

Lý lẽ của Lý Nhuệ và những người trong phái "không làm" là đã chứng minh được, Trung Quốc không đủ năng lực, cũng không cần thiết làm công trình Tam Hiệp, nếu cứ cố làm sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng.

Sau đó tại hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc họp tại Thành Đô (tháng 3 năm 1958), Mao Trạch Đông đưa ra Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội: nhanh, nhiều, tốt, rẻ, dấy lên phong trào Đại tiến vọt, mà hậu quả nặng nề là đẩy Trung Quốc đến bờ vực nguy hiểm.

Tuy nhiên trong cơn lốc ảo tưởng ấy, việc xây dựng công trình thủy điện Tam Hiệp đã không được ghi vào cương lĩnh. Sau hội nghị Thành Đô, mặc dù Lâm Nhất Sơn và những người chủ trương xây dựng thủy điện Tam Hiệp ra sức vận động, nhưng Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đã không chuẩn y. Theo Lý Nhuệ, có được kết quả đó chủ yếu là do những ý kiến phản đối của ông.

2- Những năm 50 của thế kỷ trước, cuộc tranh luận về xây dựng công trình thủy điện Tam Hiệp còn hạn chế trong phạm vi hẹp, đến những năm 80 thì phạm vi cuộc tranh luận mở rộng ra toàn xã hội, báo chí thường xuyên đề cập đến việc nên hay không nên, làm sớm hay làm muộn, xây đập cao hay đập thấp.

Năm 1980, bản luận chứng kinh tế kĩ thuật công trình thủy điện Tam Hiệp được khởi thảo dưới sự chủ trì của Ủy ban kế hoạch và Ủy ban Khoa học kĩ thuật nhà nước.

Theo Lý Nhuệ, bản luận chứng này phản ánh tương đối khách quan, những ý kiến phản đối cũng đã được lưu ý. Do hai luồng ý kiến còn khác nhau nhiều, nên bản luận chứng vẫn không thể thông qua. Năm 1981, văn phòng Ủy ban trị thủy sông Trường Giang đưa ra bốn phương án xây dựng đập cao và đập thấp.

Ngày 24/11/1982, Đặng Tiểu Bình nghe báo cáo của Ủy ban kế hoạch nhà nước về việc giải quyết nạn thiếu điện trầm trọng đã nói: "Tán thành phương án xây đập thấp, hy vọng sau khi lựa chọn kĩ rồi, thì quyết tâm làm, không nên dao động".

Tháng 9/1984, chính phủ Trung Quốc phê chuẩn Báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng công trình thủy điện Tam Hiệp, quyết định chọn phương án xây đập thấp, cao 150 mét. Năm 1985, Lý Nhuệ dấn thêm một bước phản đối, tập hợp những bài viết phản đối của ông cho xuất bản cuốn sách với nhan đề "Bàn về công trình Tam Hiệp".

Tháng 3 năm ấy, tại cuộc họp lần thứ 3 khóa 6 Mặt trận chính trị hiệp thương (Mặt trận Tổ quốc), 167 vị Ủy viên hoặc liên danh, hoặc cá nhân phát biểu đề cập đến các vấn đề đầu tư, di dân, sinh  thái, ngập lụt do xây dựng công trình Tam Hiệp gây nên và kiến nghị cần thảo luận kĩ càng, không nên vội vàng khởi công.

Tháng 7, Ủy ban kinh tế của Mặt trận chính trị hiệp thương, do Chủ nhiệm Ủy ban Tôn Việt Kì sau khi khảo sát tình hình đã gửi báo cáo kiến nghị không nên khởi công sớm. Tôn Việt Kì ở phái phản đối với Lý Nhuệ, là một chuyên gia về tài nguyên, từ những năm 40 của thế kỷ trước, đã dẫn đầu đoàn đại biểu của chính quyền Quốc dân đảng đàm phán hợp tác Trung- Mỹ về khai thác sông Trường Giang.

Năm 1986, việc lập luận chứng Tam Hiệp được chuyển cho Bộ Thủy điện phụ trách. Sau khi có quyết định lựa chọn xây dựng đập thấp, cao 150 mét thì cơ quan làm luận chứng lập tức chịu sự công kích từ cả hai phía.

Một phía, chính quyền Trùng Khánh gửi kiến nghị lên Chính phủ, đề nghị nâng chiều cao đập lên đến 180 mét, để ở cuối đoạn hồi thủy trên khu vực chính của thành phố, tàu trên vạn tấn có thể cập cảng. Phía phản đối, bằng nhiều hình thức kể cả gặp trực tiếp cấp lãnh đạo cao nhất kiên quyết yêu cầu, dù có xây dựng đập thấp, chiều cao 150 mét cũng không làm.

Ngày 10/7/1990, Hà Cách Cao, chuyên gia trong tổ lập luận chứng, tham gia hội nghị thảo luận về luận chứng Tam Hiệp của Chính phủ, tiếp tục trình bày các ý kiến phản đối. Tại hội nghị này, Tôn Việt Kì, năm đó đã 98 tuổi, ngoài phát biểu miệng còn gửi trình một bản báo cáo phản đối dài 3 vạn chữ.

Sau hội nghị, chính phủ thành lập Ủy ban thẩm tra luận chứng công trình Tam Hiệp, Ông Trường Bác, Tổng công trình sư, Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch tỉnh Quảng Tây được mời tham gia. Ngày 25/5/1991, tại hội nghị chuẩn bị thẩm định, Hà Cách Cao phát biểu đề nghị muốn thẩm tra qui mô thủy điện thì đầu tiên phải thẩm tra khu vực hồ tích nước, nhưng bị chủ trì hội nghị bác bỏ. Hà tiếp tục viện đến ý kiến Phó thủ tướng Diêu Y Lâm về việc cẩn trọng khi thẩm tra cũng không được đồng ý.

Ông Trường Bác cũng phát biểu, tỏ ý khó hiểu vì một vấn đề quan trọng như vậy, tại sao không được thảo luận và tỏ thái độ, nếu không thảo luận sẽ không kí vào biên bản.

Cuối cùng, Hà, Ông và một vị khác đã không kí vào biên bản. Từ Nam Ninh xa xôi mang theo bài phát biểu dài, không được cho nói, về nhà phẫn chí, Ông Trường Bác bèn viết thư gửi Thủ tướng Lý Bằng, yêu cầu Thủ tướng cử người thân cận xuống Nam Ninh nghe ông trình bày và xem các tư liệu. Nhưng Thủ tướng Lý Bằng chuyển cho một vị Phó Thủ tướng giải quyết.

Trước khi Quốc hội họp để ra nghị quyết về công trình thủy điện Tam Hiệp, đúng vào Tết Nguyên đán (1/1/1992), Lý Nhuệ viết thư gửi Thường vụ Trung ương đảng, đề nghị không nên xây dựng công trình Tam Hiệp. Nhưng đến lúc đó tình hình không thể xoay chuyển được.

3- Tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 5 khóa 7 ngày 3/4/1992, đại biểu Đài Loan là Hoàng Thuận Tân đã phân phát tài liệu cho các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, nêu rõ cần thận trọng khi quyết định vấn đề công trình Tam Hiệp. Trước khi Đại hội biểu quyết, Hoàng Thuận Tân đột ngột xin phát biểu, nhưng không được chấp nhận. Và nghị quyết đã được thông qua.

Nhưng dù nghị quyết đã được thông qua, "cuộc chiến luận chứng" Tam Hiệp vẫn không ngừng.

Năm 1992, sau khi Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc thông qua nghị quyết xây dựng đập Tam Hiệp, Phan Gia Tranh khi ở Tổng cục Thủy điện vốn là cấp dưới của Lý Nhuệ, nay là Trưởng nhóm lập luận chứng công trình Tam Hiệp và sau này là Tổng công trình sư phụ trách kĩ thuật công trình, đã nhiều lần đến viếng thăm Lý Nhuệ để thuyết phục ông rút lại các ý kiến phản đối, nhưng không được.

Các năm 1993- 1994, Lý Nhuệ ba lần gửi thư cho lãnh đạo trung ương: "Kiến nghị nghe một lần ý kiến phản biện", "Kiến nghị lùi khởi công công trình Tam Hiệp", "Kiến nghị tiếp tục tranh luận". Mặc dù không được chấp nhận, nhưng Lý Nhuệ vẫn kiên trì quan điểm của mình.

Nhật kí Lý Bằng về công trình Tam Hiệp cho biết, ngày 14/4/1996, Chu Dung Cơ cho biết, Lý Nhuệ gọi điện cho ông, yêu cầu Trung ương dừng việc xây dựng công trình Tam Hiệp. Chu Dung Cơ đã báo cáo Giang Trạch Dân, và đã làm công tác tư tưởng với Lý Nhuệ, yêu cầu ông ấy không nên tìm cách liên kết với những người khác. Giang Trạch Dân cũng gọi điện thoại cho Lý Bằng, nói Lý Nhuệ phải dừng việc gửi thư kiến nghị, yêu cầu ông ta phải phục tùng đại cục.

4- Ngày 16/5/2002, mười năm sau khi Quốc hội Trung Quốc ra nghị quyết tiếp tục xây dựng đập thủy điện Tam Hiệp, Tổng Công ty Thủy điện Tam Hiệp đã mời ông Lý Nhuệ đến thăm, khảo sát việc xây dựng công trình này. Khi đó mối quan hệ của hai bên rất vui vẻ, nhưng sau đấy thì xảy ra một "công án".

Tờ "Báo công trình Tam Hiệp Trung Quốc" do Tổng Công ty Tam Hiệp chủ quản và tờ "Văn hối báo" của Hồng Kông cùng đưa tin Lý Nhuệ không còn ý kiến phản đối việc xây dựng công trình Tam Hiệp nữa. Đọc những tin trên, ngày 21/6 Lý Bằng, khi ấy là Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Hội nghị đại biểu nhân dân (Chủ tịch Quốc hội) đã ghi vào nhật kí, rằng Lý Nhuệ đã có thay đổi nhận thức với công trình Tam Hiệp.

Nhưng ngày 23/11/2009, khi trả lời phỏng vấn của tạp chí "Liêu vọng", vị cựu Phó trưởng ban 93 tuổi nói rằng, lập trường phản đối của ông không hề thay đổi. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận, rằng ông hài lòng về chất lượng thi công công trình. Thực tế đúng như Viện sĩ Phan Gia Tranh, 83 tuổi nhớ lại, khi đó Lý Nhuệ đã nói: "Thái độ của tôi đối với công trình Tam Hiệp là rất rõ ràng và không thể thay đổi. Nhưng sau khi xem xét công trình đã được xây dựng thì tôi thấy vui và yên tâm, hy vọng nó sẽ được xây dựng một cách tốt nhất."

Phan Gia Tranh trong hồi kí "Lý Nhuệ như tôi biết" đã viết, nếu không có ông thì cuộc tranh luận khó khăn về đập Tam Hiệp không thể "hoành tráng" như vậy được. Và thực tiễn chứng minh, những phản biện và chất vấn của ông đối với việc làm luận chứng kinh tế kĩ thuật không những có tác dụng thúc đẩy rất tốt mà còn cải thiện rất nhiều đối với công tác xây dựng công trình.

Theo Hà Phạm Phú (ANTG cuối tháng)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới