Tiếp tục tăng lương 7% với lao động qua học nghề

(PLO)- Bộ LĐ-TB&XH và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam yêu cầu chế độ tiền lương trả cho NLĐ làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 17-6, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có văn bản chỉ đạo triển khai việc tăng lương tối thiểu đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 1-7.

Theo đó, hai bộ này đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị liên quan nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp và NLĐ triển khai thực hiện Nghị định 38/2022 của Chính phủ về việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu đúng quy định.

Người lao động làm việc trong khu công nghiệp. Ảnh: V.LONG

Người lao động làm việc trong khu công nghiệp. Ảnh: V.LONG

Trong đó, hai bộ lưu ý mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để NLĐ, công đoàn và doanh nghiệp thỏa thuận mức lương và trả lương cho NLĐ.

Trong đó, lương tối thiểu tháng được áp dụng đối với NLĐ đang hưởng lương theo hình thức trả lương theo tháng. Lương tối thiểu giờ được áp dụng đối với NLĐ đang hưởng lương theo hình thức trả lương theo giờ.

Đối với NLĐ đang hưởng lương theo các hình thức trả lương khác (theo tuần, theo ngày, theo sản phẩm, lương khoán) thì mức lương đang trả theo các hình thức trả lương này quy đổi theo tháng hoặc theo giờ.

Tuy nhiên, không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ do Chính phủ quy định.

Hai bộ cũng yêu cầu với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho NLĐ so với quy định tại Nghị định 38 thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

“Theo đó, các nội dung đã thực hiện trong đó có chế độ tiền lương trả cho NLĐ làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động”, văn bản của hai bộ nêu rõ.

Ngoài ra, hai bộ này cũng yêu cầu tăng cường việc hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ, tổ chức công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động trong các hoạt động đối thoại, thương lượng.

Đặc biệt là thương lương tập thể để thỏa thuận về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác bảo đảm có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật...

Như PLO.VN đã đưa tin, ngày 16-6, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) vừa thay mặt hàng ngàn công nhân công ty viết tâm thư gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Trong thư, ông Hồng cho rằng ngày 12-6 vừa qua, Chính phủ ban hành nghị định số 38 về việc điều chỉnh tăng 6% lương hưu (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Thời gian áp dụng từ ngày 1-7.

Tuy nhiên, Nghị định 90 quy định mức lương tối thiểu vùng đã cho phép áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi họ đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Nay Nghị định 38 đã bỏ phần quy định trên và thực tế là chủ doanh nghiệp có quyền không tăng lương tối thiểu cho nhân viên, do mức đang áp dụng cho vùng 1 là 4.729.400 đồng đã cao hơn mức 4.680.000 của Nghị định 38.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm