Tìm giải pháp để người thu nhập thấp có nhà ở

(PLO)- Thu nhập của người lao động không tăng trong khi nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội vô cùng khan hiếm khiến cho giấc mơ an cư của họ ngày càng xa vời.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại buổi tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức, người lao động năm 2022 với chủ đề “Chính sách an sinh xã hội - nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động” (tổ chức cuối tháng 4), Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu ngành chức năng tập trung đẩy mạnh mục tiêu xây dựng 2,5 triệu m2 nhà ở xã hội (NƠXH) trong giai đoạn 2021-2025.

Giá nhà liên tục leo thang

Trong giai đoạn 2011-2020, cả nước chỉ thực hiện được 248 dự án NƠXH với khoảng 100.000 căn hộ, chỉ đạt 41,4% kế hoạch. Riêng TP.HCM trong giai đoạn 2016-2020 đã rất nỗ lực nhưng cũng chỉ thực hiện được gần 15.000 căn hộ NƠXH, đạt 75% kế hoạch.

Giai đoạn 2021-2025, TP.HCM đặt ra mục tiêu thực hiện 47 dự án với khoảng 35.000 căn hộ nhưng đến nay mới chỉ có 14 dự án hoàn tất các thủ tục pháp lý, đủ điều kiện pháp lý mở bán, tương đương 15.000 căn hộ.

Chị Thùy Trâm (ngụ quận Bình Tân) cho biết: “Hai năm trước, tôi đủ điều kiện mua một căn hộ tại dự án NƠXH (35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân) với mức giá 14 triệu đồng/m2. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, những ai muốn nhận chuyển nhượng đều phải chịu mức giá lên tới 30 triệu đồng/m2. Tức là căn hộ 50 m2 của tôi đã tăng gấp đôi so với thời điểm bàn giao nhà”.

Tương tự, tại dự án Ehome S, Phú Hữu (quận 9) do Công ty CP Đầu tư Nam Long làm chủ đầu tư cũng tăng giá vùn vụt. Năm 2018, giá một căn hộ 40 m2 dự án chỉ khoảng 600 triệu đồng, giờ đây đã đẩy lên tới 1 tỉ đồng/căn hộ. Thậm chí, cùng diện tích này nhưng có vị trí đẹp còn được chủ nhà “hét” tới 1,45 tỉ đồng.

Chị Minh Tâm (công nhân lao động) cho biết làm việc 8 tiếng/ngày và tăng ca, trung bình mỗi tháng chị nhận được khoảng 8 triệu đồng.

“Với hàng loạt chi phí từ thuê nhà trọ, sinh hoạt phí thì mức lương như vậy dù có tiết kiệm tối đa cũng không dám mơ tới việc mua nhà. Không riêng gì tôi mà những công nhân lao động như tôi đều trông chờ vào chính sách của Nhà nước về việc xây những căn nhà giá rẻ để giúp đỡ người có thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận với nhà ở” - chị Tâm nói.

Trong giai đoạn 2016-2020, TP.HCM thực hiện được gần 15.000 căn hộ nhà ở xã hội, đạt 75% kế hoạch. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Trong giai đoạn 2016-2020, TP.HCM thực hiện được gần 15.000 căn hộ nhà ở xã hội, đạt 75% kế hoạch. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Không chỉ khan hiếm NƠXH mà ngay cả nhà ở giá bình dân cũng thiếu hụt trầm trọng. Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm 2020, nhà ở giá bình dân có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 tung ra thị trường chỉ có 163 căn hộ, tương đương 1% so với tổng nguồn cung căn hộ trên toàn thị trường TP, đến năm 2021 thì phân khúc này đã hoàn toàn biến mất khi nguồn cung rơi xuống 0%.

Tại tọa đàm “Gỡ nút thắt phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, trên cả nước đã hoàn thành 275 dự án NƠXH với quy mô khoảng 147.000 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 339 dự án với quy mô khoảng 371.500 căn hộ.

Phát triển NƠXH mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, song vẫn chưa đáp ứng như kỳ vọng. Nguyên nhân là do tình trạng thiếu quỹ đất để xây dựng NƠXH, vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi; cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển NƠXH.


Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết hiện nay thị trường bất động sản đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân và NƠXH. Đây là hai loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị. Do khan hiếm nguồn cung, trong khi tổng cầu rất lớn đã dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn năm năm qua.

Hiện chỉ số giá nhà ở của nước ta cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, khiến cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó có cơ hội mua nhà ở. Trong khi đó, so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà ở chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết: “Hiệp hội thống nhất với Bộ Xây dựng về sự cần thiết bổ sung Luật Nhà ở, xây dựng chính sách hỗ trợ về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, về thuế, về chính sách cho vay để khuyến khích và tạo điều kiện phát triển nhà ở giá phù hợp với thu nhập của người có thu nhập trung bình thấp và thấp ở đô thị, có mức giá bán vào khoảng không quá 25 triệu đồng/m2 tại các đô thị đặc biệt, không quá 23 triệu đồng/m2 tại các đô thị loại 1, không quá 20 triệu đồng/m2 tại các đô thị còn lại. Từ đó đáp ứng nhu cầu nhà ở giá vừa túi tiền và đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đông đảo người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp ở đô thị, đồng thời thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia và giảm bớt một phần gánh nặng cho ngân sách nhà nước”.•

Giải pháp hỗ trợ tín dụng đối với nhà ở xã hội

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai Nghị quyết 43 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Trong đó có giải pháp hỗ trợ tín dụng đối với NƠXH, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Giải pháp trên có hai gói hỗ trợ: Đối tượng khách hàng cá nhân thực hiện vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số vốn 15.000 tỉ đồng; gói hỗ trợ thực hiện thông qua các ngân hàng Chính sách xã hội với mức hỗ trợ lãi suất 2% cho các chủ đầu tư xây dựng NƠXH và nhà ở cho công nhân.

Cụ thể, gói hỗ trợ 15.000 tỉ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho các cá nhân vay mua, thuê mua và cải tạo nhà ở với lãi suất 4,8%; hỗ trợ lãi suất 2% đối với các chủ đầu tư xây dựng NƠXH, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ... được thực hiện qua hệ thống ngân hàng thương mại với quy mô gói hỗ trợ khoảng 40.000 tỉ đồng cấp bù lãi suất. Hai gói hỗ trợ này được thực hiện trong hai năm 2022 và 2023, được xem là động lực thúc đẩy phân khúc NƠXH phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm