Chiều 1-6, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan trên đàn heo. Tiền Giang là địa phương thứ 10 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long "dính" dịch.
Ngành chăn nuôi thú y Tiền Giang lập kiểm dịch động vật tại các chốt.
Trước đó, vào ngày 30-5, một hộ nuôi heo ở xã Long Khánh (thị xã Cai Lậy) phát hiện đàn heo nuôi có dấu hiệu bệnh dịch tả nên đã báo ngành thú y. Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu xét nghiệm, kết quả có 3/5 mẫu dương tính với virus dịch tả heo châu Phi.
Trong ngày 1-6, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu huỷ đàn nuôi nhiễm bệnh. Các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đang tập trung dập dịch, phòng chống lây lan sang các địa phương khác.
Như vậy tính đến ngày 1-6, Tiền Giang là tỉnh thứ 10 của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã phát hiện dịch tả heo Châu Phi, sau Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP. Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu.
Hiện chỉ còn 3 tỉnh là Trà Vinh, Bến Tre và Long An chưa phát hiện dịch tả và các địa phương đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng ngừa.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng yêu cầu huyện Tân Phước thành lập chốt kiểm dịch trên tuyến đường tỉnh 867, huyện Cái Bè thành lập chốt kiểm dịch trên tuyến quốc lộ 30.
Theo thống kê, tỉnh Tiền Giang có khoảng 35.000 hộ chăn nuôi heo với hơn 560.000 con, trong đó, chăn nuôi hộ gia đình chiếm hơn 99%.
Ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Tiền Giang đã thành lập 5 chốt kiểm dịch trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch tả heo châu Phi tấn công lây lan sang đàn heo trên địa bàn tỉnh.