Tòa nhầm án thương mại thành… dân sự

Theo đó, ba bên liên kết sản xuất kinh doanh đầu tư nuôi trồng, đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm thủy sản tại lòng hồ B, thủy điện Vĩnh Sơn, xã Sơn Lang, K’Bang (Gia Lai). Tổng vốn liên doanh là 1 tỉ đồng, trong đó bên A góp 500 triệu đồng, bên B1 300 triệu đồng, bên B2 200 triệu đồng. Các bên thống nhất giao khoán toàn bộ hoạt động nuôi trồng, đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm cho bên B2 đại diện liên doanh thực hiện...

Quá trình hợp tác, do phát sinh mâu thuẫn, tháng 12-2007, bên B2 tuyên bố rút khỏi liên doanh và chấm dứt hợp đồng. Một tháng sau, bên A và bên B1 đồng đứng đơn khởi kiện yêu cầu bên B2 thanh toán cho bên A gần 603 triệu đồng, bên B1 320 triệu đồng...

Tháng 4-2008, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa vụ này ra xét xử. Tòa áp dụng Bộ luật Dân sự để chấp nhận cho bên A và bên B1 thắng kiện. Năm tháng sau, bản án này đã bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng hủy để xét xử lại.

Tháng 9-2009, vụ kiện tiếp tục đưa ra xử sơ thẩm lần hai, lần này thì do TAND huyện K’Bang xét xử. Tòa này cũng áp dụng Bộ luật Dân sự để tuyên hủy hợp đồng góp vốn liên doanh, buộc bên B2 phải thanh toán cho bên A 177 triệu đồng, bên B1 280 triệu đồng.

Đầu tháng này, xử phúc thẩm lần hai, TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để chính TAND tỉnh xử sơ thẩm lại lần ba. Nguyên nhân hủy án là do vụ kiện không thuộc thẩm quyền của TAND huyện K’Bang. Ngoài ra, đáng lẽ phải áp dụng Luật Đầu tư và Luật Thương mại để giải quyết thì cấp sơ thẩm lại áp dụng Bộ luật Dân sự là sai.

Vụ việc thế là phải quay lại trình tự ban đầu. Đây rõ ràng là tranh chấp hợp đồng góp vốn liên doanh, là tranh chấp thương mại nhưng không hiểu sao các tòa lại áp dụng Bộ luật Dân sự để xét xử như là một giao dịch dân sự. Đó cũng chính là nguyên nhân để một vụ tranh chấp hợp tác làm ăn bình thường nhưng kéo dài hơn hai năm chưa được giải quyết dứt điểm.

CÔNG TÔN NHUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm