Cụ Nguyễn Cháu và vợ là cụ Nguyễn Thị Thẻ có tám người con, trong đó có bốn người đã mất (đều không có con cái) và bốn người còn sống là các bà Nguyễn Thị Quýt, Nguyễn Thị Dảnh, Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Thị Nhung. Cụ Cháu mất năm 1984 và cụ Thẻ mất năm 2008, cả hai người đều không để lại di chúc. Di sản của hai cụ là mảnh đất 3.162,8 m2 ở huyện Chơn Thành, Bình Phước chưa được cấp giấy đỏ.
Rắc rối thời hiệu khởi kiện
Tháng 8-2008, bà Dảnh khởi kiện bà Nhung yêu cầu chia di sản thừa kế và được TAND huyện Chơn Thành thụ lý (bà Yến và bà Quýt là người liên quan trong vụ án). Năm 2014, tòa huyện xử sơ thẩm, xác định đã hết thời hiệu yêu cầu phân chia di sản của cụ Cháu, chỉ giải quyết yêu cầu phân chia di sản của cụ Thẻ. Theo đó, giao di sản mà bà Quýt được hưởng cho bà Nhung quản lý; các bà Yến, Dảnh được giao quản lý một phần di sản thừa kế của cụ Thẻ để lại. Các đương sự có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để làm giấy chủ quyền.
Sau đó VKSND huyện kháng nghị với lý do tòa giao di sản như vậy là không đúng, việc chia tạm giao các phần di sản cho các đương sự nhưng không ghi tứ cận rõ ràng gây khó khăn cho thi hành án. Năm 2015, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm, chấp nhận kháng nghị và tuyên hủy án sơ thẩm.
Tháng 5-2018, tòa huyện xử sơ thẩm lần hai, tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Dảnh và yêu cầu độc lập của người liên quan là bà Yến yêu cầu tòa chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản chung của cha mẹ để lại. Theo đó, các đương sự được chia phần di sản có ghi rõ tứ cận đầy đủ, trong đó việc chia phần nhiều hay ít hơn cho từng người dựa trên công sức đóng góp trong việc cải tạo, gìn giữ, quản lý di sản.
Tháng 6-2018, đến lượt VKSND tỉnh Bình Phước kháng nghị bản án sơ thẩm lần hai. Theo kháng nghị, căn cứ Điều 36 Pháp lệnh 44/1990 của Hội đồng Nhà nước thì đã hết thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu chia di sản của cụ Cháu (giống nhận định của bản án sơ thẩm lần thứ nhất - PV).
Tháng 8-2018, TAND tỉnh xử phúc thẩm lần hai, bác kháng nghị của VKSND cùng cấp. Theo tòa, yêu cầu chia thừa kế đất của vợ chồng cụ Cháu, cụ Thẻ được tòa án sơ thẩm thụ lý khi BLDS 2015 đã có hiệu lực. Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 và Nghị quyết 103/2015 của Quốc hội, tòa áp dụng khoản 1 Điều 623 BLDS 2015 về thời hiệu thừa kế để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản và xác định thời hiệu là vẫn còn.
Mới đây, bị đơn là bà Nhung có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm vì theo bà, đã hết thời hiệu để tòa giải quyết vụ tranh chấp di sản này.
VKS kháng nghị đúng?
Hiện bản án phúc thẩm lần hai đã có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn có ý kiến khác nhau về thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với phần di sản của cụ Cháu còn hay hết.
Theo ThS Lưu Minh Sang (Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM), kháng nghị của VKS là có cơ sở bởi thời hiệu chia di sản không còn. Điều 2 Nghị quyết 103/2015 của Quốc hội quy định đối với các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, phát sinh trước ngày 1-1-2017 thì áp dụng quy định về thời hiệu tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2004 để giải quyết. Trong khi Điều 645 BLDS 2005 quy định thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời điểm để tính mở thừa kế trong vụ việc này là ngày 10-9-1990 (ngày công bố Pháp lệnh thừa kế), trong khi các đương sự có tranh chấp phân chia di sản vào năm 2008 là đã 18 năm (quá 10 năm) nên thời hiệu là không còn.
Đồng tình, luật sư (LS) Nguyễn Hoàng Nam, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng cần áp dụng quy định pháp luật tại thời điểm tòa thụ lý vụ án. Vụ án được tòa thụ lý sơ thẩm lần một vào tháng 9-2008, thụ lý sơ thẩm lần hai vào tháng 5-2016. Tại hai thời điểm này, BLDS 2005 và BLTTDS 2004 đang có hiệu lực thi hành. Như vậy, xét theo quy định Điều 645 BLDS 2005 và điểm a khoản 1 Điều 168 BLTTDS 2004 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản của cụ Cháu đã hết.
LS Nguyễn Văn Hồng, Đoàn LS TP.HCM, phân tích thêm: TAND Tối cao có Công văn 01/2018 hướng dẫn vướng mắc về nghiệp vụ cho các tòa cấp dưới về việc tính thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp người để lại di sản thừa kế là bất động sản chết trước năm 1987 mà hiện nay tòa mới thụ lý.
Theo đó, kể từ ngày BLDS 2015 có hiệu lực thi hành, theo điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS 2015, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết 02/2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành Nghị quyết 103/2015 của Quốc hội về việc thi hành BLTTDS 2015) thì từ ngày 1-1-2017, tòa áp dụng khoản 1 Điều 623 BLDS 2015 về thời hiệu thừa kế để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản. Cụ thể, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Nhưng trong vụ này, tòa sơ thẩm thụ lý sơ thẩm lần một vào năm 2008 và lần hai vào năm 2016 nên phải áp dụng luật tại thời điểm thụ lý, tức phải áp dụng BLDS 2005.
Quan điểm khác Theo TS Nguyễn Xuân Quang (Phó Trưởng khoa Luật dân sự, ĐH Luật TP.HCM), phải áp dụng BLDS 2015 để giải quyết vụ án này. Bởi thời hiệu yêu cầu chia thừa kế đối với bất động sản là 30 năm, căn cứ vào điều khoản chuyển tiếp tại Điều 688 BLDS 2015 thì thời hiệu trong trường hợp này là vẫn còn. LS Huỳnh Kim Ngân, Đoàn LS TP.HCM, cũng cho rằng cần áp dụng luật tại thời điểm xét xử chứ không phải thời điểm thụ lý vụ án. Vì BLDS 2015 đã có hiệu lực và là văn bản quy phạm có giá trị pháp lý cao hơn nên dù có những quy định khác nhau trong việc tính thời hiệu cũng nhất thiết phải áp dụng luật này. Theo Điều 623 BLDS 2015 thì thời hiệu để người thừa kế chia di sản là 30 năm đối với bất động sản. Như vậy, cụ Cháu mất năm 1984, thời điểm tính mở thừa kế từ ngày 10-9-1990 đến khi phát sinh tranh chấp thì chưa đủ 30 năm. Vậy, vẫn còn thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế và nhận định của HĐXX phúc thẩm là hợp lý. |