Toàn cảnh vụ tai tiếng Johnson & Johnson

Ngày 23-2, công ty dược khổng lồ Johnson & Johnson (J&J) đã bị bồi thẩm đoàn ở St Louis, Missouri, Mỹ tuyên phải bồi thường 72 triệu USD cho gia đình một phụ nữ đã qua đời vì mắc bệnh ung thư khi sử dụng các sản phẩm có chứa bột talc của công ty.

Sản phẩm phấn rôm Baby Powder của Johnson & Johnson. (Nguồn: Telegraph)

Bồi thường 72 triệu USD cho một vụ kiện

Nguyên đơn là bà Jackie Fox, sống ở Birmingham, Alabama (Mỹ) đã qua đời hồi tháng 10 năm ngoái sau ba năm chống chọi với ung thư buồng trứng. Bà Fox đã sử dụng hai sản phẩm có chứa bột talc của J&J gồm phấn rôm Baby Powder và Shower to Shower để vệ sinh, tắm rửa hằng ngày từ 35 năm trước. Sau phiên xử kéo dài ba tuần, bồi thẩm đoàn buộc J&J trả cho gia đình Jackie Fox 10 triệu USD tiền bồi thường và 62 triệu USD tiền nộp phạt. Theo Reuters, đây là lần đầu tiên một ban bồi thẩm tại Mỹ yêu cầu tập đoàn lớn nhất thế giới về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe J&J bồi thường thiệt hại vì các cáo buộc mà công ty đã biết cách đây hàng thập niên qua.

Trước đó, hồi tháng 10-2013, bồi thẩm đoàn liên bang tại TP Sioux Falls, bang South Dakota tuyên bố việc sử dụng phấn thơm J&J khiến tế bào ung thư của một nguyên đơn có tên Deane Berg trở nên nặng hơn. Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy phiên tòa này không yêu cầu J&J bồi thường thiệt hại. Berg được chẩn đoán ung thư buồng trứng vào năm 2006, sau 30 năm sử dụng phấn rôm Baby Powder của công ty này.

James A. Morris Jr., một luật sư về trách nhiệm sản phẩm ở Los Angeles (Mỹ), nói với BuzzFeed News rằng vụ kiện này của bà Fox sẽ khai mở “con đường đến với công lý” cho nhiều vụ kiện J&J với lý do tương tự của bà Fox. Morris hy vọng rằng những trường hợp như của bà Fox sẽ “thức tỉnh người dân” về nguy cơ việc sử dụng bột talc, đồng thời giúp mọi người đòi lại công bằng khi họ vô tình cũng trở thành nạn nhân của chất bột trên.

Mắc nhiều tai tiếng

Sau nghiên cứu năm 1971, nhiều con số cho thấy ung thư buồng trứng và sử dụng bột talc có liên quan với nhau. Vào năm 1992, một nghiên cứu chỉ ra rằng thường xuyên sử dụng phấn trẻ em làm tăng nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng gấp ba lần.Tiếp đó, năm 2010, một nghiên cứu của ĐH Harvard cho thấy bột talc trong phấn trẻ em có nguy cơ gây ung thư cho con người. Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo, loại bột này vẫn được lưu hành trên thị trường mà không có bất cứ cảnh báo nào từ Công ty J&J.

Mahesh Zagade, cựu ủy viên hội đồng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) bang Maharashtra, Ấn Độ, trở thành tiêu điểm của một cuộc tranh cãi nảy lửa về chuyện các công ty nước ngoài đang “gây xáo trộn” ở Ấn Độ. Khi đó, ông Zagade đã thu hồi giấy phép kinh doanh của một nhà máy của Công ty J&J có chi nhánh ở Maharashtra vào tháng 6-2013 sau khi phát hiện sản phẩm phấn rôm Baby Powder của J&J chứa các chất độc hại.

Theo The New Indian Express, vào năm 2007, các quan chức của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phát hiện J&J sử dụng quy trình tiệt trùng phấn rôm Baby Powder trái phép và thực hiện quy trình này tại một cơ sở khác ở Thane, bang Maharashtra, Ấn Độ mà không có giấy phép. Cuộc điều tra của FDA tiết lộ rằng J&J đã dùng khí ethylene oxide (EO) - một loại khí được sử dụng để sản xuất các hóa chất công nghiệp và tiệt trùng trang thiết bị y tế và có thể gây ung thư -  nhằm tiêu diệt vi khuẩn trong phấn rôm nhưng lại không tiến hành các cuộc kiểm tra bắt buộc để đảm bảo không còn “tàn tích” của loại khí này trong phấn rôm.

Theo quy định, J&J bắt buộc phải thông báo cho FDA biết về những quy trình tiệt trùng mà công ty này áp dụng. Song họ không làm như vậy, theo một quan chức FDA. Giới chức FDA đã không đệ trình bất kỳ đơn kiện nào đối với J&J mặc cho kết quả xét nghiệm cho thấy sử dụng khí EO trong quá trình khử trùng phấn rôm có nguy cơ gây ung thư. Đến năm 2011, vụ việc mới được phanh phui bởi Zagade khi ông đảm nhận chức vụ ủy viên hội đồng của FDA. Một nguồn tin cho biết ông Zagade quyết định như vậy sau khi tìm hiểu những đơn kiện mà văn phòng ông nhận được trong vài năm qua. Vào lúc đó, J&J đã bán được khoảng 50.000-60.000 lô hàng phấn rôm Baby Powder. Được biết công ty này đã không thu hồi các sản phẩm đã bán ra. Sau đó ông Zagade quyết định thành lập một tổ điều tra. Sau quá trình điều tra, tổ của ông cho hay phấn rôm Baby Powder có chứa chất độc hại. Ông đã gửi đơn kiện tới FDA sau khi có kết quả điều tra và với nỗ lực của mình cũng như bất chấp những áp lực từ các cấp cao hơn, nhà máy của J&J ở đây đã bị đóng cửa.

Có thời gian J&J cũng đã trở thành tâm điểm bị chỉ trích từ các nhóm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, họ phản đối một số thành phần được sử dụng trong các sản phẩm của công ty. Vào năm 2012, trước áp lực quá lớn từ các khách hàng, J&J cam kết loại bỏ hai thành phần vốn gây tranh cãi gồm hóa chất tinh khiết 1,4-dioxane (C4H8O2) và chất formaldehyde ra khỏi tất cả sản phẩm đến năm 2015.

Talc gây ung thư buồng trứng?

Ung thư buồng trứng rất khó điều trị bởi chỉ có thể phát hiện loại bệnh này khi tế bào ung thư đã di căn toàn bộ cơ thể. (Nguồn: Telegraph)

Về phía mình, J&J bày tỏ sự thất vọng về phán quyết của tòa trong vụ kiện này nhưng vẫn khẳng định sản phẩm của hãng an toàn tuyệt đối: “Trách nhiệm trên hết của chúng tôi là sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng. Chúng tôi rất thất vọng về kết quả của phiên tòa. Dù rất cảm thông với gia đình nguyên đơn nhưng chúng tôi tin chắc độ an toàn của phấn rôm đã được khoa học chứng minh hàng thập niên qua” - bà Carol Goodrich, phát ngôn viên J&J, nói.

Theo Telegraph, phán quyết này của tòa án có thể gây tranh cãi vì các chuyên gia về ung thư nói rằng chưa có bằng chứng cụ thể chứng minh bột talc có liên quan đến căn bệnh này. Nhiều nhà sản xuất ở Mỹ đã chuyển từ bột talc sang bột bắp sau khi xuất hiện những lo ngại vào những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, ở Anh và nhiều nước khác người ta vẫn sử dụng bột talc trong các sản phẩm.

Trước những năm 1970, phấn bột thường bị ô nhiễm vì chứa các loại sợi amiăng. Đây được xem là một nguyên nhân gây ung thư ở con người. Một số nhà khoa học cho rằng các hạt talc có thể xâm nhập vào buồng trứng, gây ra hiện tượng viêm sưng khó chịu. Quá trình viêm sưng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa tìm ra bằng chứng cho lập luận này và các nghiên cứu về vấn đề liệu thuốc chống viêm có thể ngăn ngừa ung thư hay không đều cho thấy chúng không hiệu nghiệm.

Tổ chức từ thiện cho bệnh nhân ung thư buồng trứng Ovacome nói rằng: “Bằng chứng về mối liên quan là rất yếu nhưng kể cả trong trường hợp talc có thể tăng nguy cơ ung thư buồng trứng khoảng 1/3 thì tỉ lệ mắc căn bệnh này cũng “khiêm tốn”. Đây là một mức tăng bình thường và ung thư buồng trứng là một căn bệnh khá hiếm do đó không dễ mắc phải”.

 

Đối mặt hơn 1.200 vụ kiện

Ngoài vụ kiện trên, J&J hiện đang đối mặt với khoảng 1.200 vụ kiện của khách hàng ở Mỹ do họ không được cảnh báo về những rủi ro khi sử dụng những sản phẩm của công ty. Trong một cuộc họp báo, ông Jere Beasley, luật sư của gia đình bà Fox, tuyên bố J&J “đã biết về nguy cơ này từ những năm 1980” nhưng vẫn giấu nhẹm đi nhằm “nói dối công chúng và các cơ quan quản lý”. Phát biểu sau buổi điều trần, Krista Smith - người đứng đầu bồi thẩm đoàn cho biết cô nhận thấy J&J tỏ ra không thành thật: “Rõ ràng là họ che giấu một điều gì đó. Lẽ ra chí ít họ phải đặt nhãn dán cảnh báo trên sản phẩm nhưng họ không làm gì cả”.

Bột talc là gì?

Bột talc là một khoáng chất trong tự nhiên, chứa các thành phần magie, silic, ôxy. Ở dạng bột, talc giúp da khô ráo và ngăn nổi mụn, phát ban. Nhờ vậy, bột talc được sử dụng rộng rãi để tạo ra các sản phẩm làm đẹp như bột em bé, bột bôi toàn thân và trên mặt. Khi ở dạng tự nhiên, talc chứa các loại sợi amiăng - chất gây ung thư phổi khi hít phải. Chính vì thế, các sản phẩm chứa bột talc được dùng trong các hộ gia đình ở Mỹ đều phải loại bỏ chất amiăng kể từ những năm 1970.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới