Tính đến tối 27-4, 10 ngày sau cuộc bầu cử cả tổng thống và lập pháp (bầu quốc hội và các hội đồng địa phương) Indonesia ngày 17-4, tổng cộng đã có 272 nhân viên bầu cử đã chết vì kiệt sức, hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Ủy ban Bầu cử Indonesia Arief Priyo Susanto.
Cuộc bầu cử ngày 17-4 là lần đầu tiên 193 triệu cử tri Indonesia đi bỏ phiếu bầu cả tổng thống và các cơ quan lập pháp cả trung ương lẫn địa phương. Số cử tri đi bỏ phiếu khoảng 80%. Mỗi cử tri bỏ tới 5 lá phiếu. Ủy ban Bầu cử đã huy động hơn 7 triệu người phục vụ công tác tổ chức bầu cử.
Hầu hết các nhân viên bầu cử chết vì các chứng bệnh liên quan đến kiệt sức do làm việc liên tục suốt nhiều ngày đêm để kiểm hàng triệu lá phiếu bằng tay. Trong số người chết còn có cả một số cảnh sát, nguyên nhân cũng vì làm việc quá sức.
Chưa biết số người chết có còn tăng lên nữa không khi theo ông Susanto hiện vẫn còn gần 1.900 người phải nằm viện.
Vòng hoa tưởng nhớ các nhân viên bầu cử qua đời vì kiệt sức do làm việc được đặt bên ngoài trụ sở Ủy ban Bầu cử Indonesia ở thủ đô Jakarta (Indonesia). Ảnh: REUTERS
Theo ông Susanto, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế ưu tiên chăm sóc sức khỏe các nhân viên bầu cử. Bộ Tài chính đang thực hiện công tác hỗ trợ tài chính cho các gia đình có người thiệt mạng. Trước mắt, các gia đình mỗi nạn nhân được nhận số tiền chia buồn 3.600 USD.
Ủy ban Bầu cử hứng chỉ trích nặng vì việc này. Theo ông Ahmad Muzani - Phó Chủ tịch chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống Prabowo Subianto, Ủy ban Bầu cử đã không cẩn thận trong xử lý khối lượng công việc của các nhân viên bầu cử.
Ông Arief Budiman – Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thừa nhận công tác tổ chức có vấn đề. Ông cho biết ban đầu Ủy ban cũng chủ ý chọn những người khỏe mạnh để lo công tác bầu cử, nhưng không đủ ngân sách và thời gian để kiểm tra sức khỏe của cả 7 triệu nhân viên bầu cử. Ủy ban cũng không đủ tiền để chuẩn bị sẵn xe cứu thương và y bác sĩ túc trực tại tất cả 810.000 điểm bỏ phiếu để chăm sóc kịp thời sức khỏe các nhân viên bầu cử.
Nhân viên bầu cử di chuyển các thùng phiếu chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp tại làng Bonto Matinggi, tỉnh Nam Sulawesi (Indonesia) ngày 16-4. Ảnh: AFP
Phó Tổng thống Indonesia Muhammad Jusuf Kalla thừa nhận cuộc bầu cử năm nay “phức tạp nhất” trong lịch sử 21 năm bầu cử dân chủ của nước này.
Từ 2014 trở về trước, bầu cử tổng thống và bầu cử lập pháp ở Indonesia được chia làm hai, diễn ra cách nhau 3 tháng. Tuy nhiên trong năm 2014, Tòa án Hiến pháp Indonesia ra quyết định gộp hai cuộc bầu cử lại thành một, với lý lẽ sẽ giúp tiết kiệm cả về tiền bạc và thời gian.
Trước thực tế hàng trăm người chết và hàng ngàn người phải nhập viện vì kiệt sức, Chánh án Tòa án Hiến pháp Anwar Usman nói ông “cảm thấy có lỗi với cái chết của các nhân viên bầu cử”.
Sau hậu quả này, Ủy ban Bầu cử đang cân nhắc tách bầu cử tổng thống và lập pháp ra làm hai như trước.