Tôi ra trường cách đây 6 năm. Hai năm đầu tiên, tôi công tác tại một trường nội trú đóng trên địa bàn TP.HCM. Tôi vừa làm giáo viên bộ môn, vừa làm giáo viên quản nhiệm lớp 10.
Một trường nội trú ở TP.HCM. Hình ảnh không liên quan đến nội dung bài viết. Ảnh: HỒNG MINH
Trại lính và kỷ luật sắt
Vì làm giáo viên quản nhiệm nên tôi phải theo sát các em 14 giờ/ngày, từ 6 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm. Cuộc sống của tôi là canh chừng, theo sát, nhắc nhở trong một không gian chẳng khác gì trại lính. Các em thì cắm đầu học, ăn, ngủ rồi lại cắm đầu học. Hầu hết các phụ huynh khi gửi con vô trường đều gửi gắm: “Nhờ thầy cô nghiêm khắc rèn chúng nó vào nền nếp”.
Những đứa trẻ học nội trú của tôi, ở cái tuổi dở dở ương ương mới lớn, rất có nhu cầu giao lưu bạn bè và sự quan tâm từ gia đình, thì bị bứt khỏi môi trường quen thuộc đưa vào trường nội trú.
Tôi rớt nước mắt khi thấy những đứa trẻ khóc vật vã vì nhớ nhà. Tôi đã phải đóng rất nhiều vai: làm bạn bè, làm chuyên gia tâm lý, làm mẹ của chúng để trò chuyện, dỗ dành.
Nhưng không phải lúc nào chúng cũng luôn trong tầm mắt tôi. Một em học sinh nữ tên N. đã trèo tường trốn ra ngoài, em bắt xe taxi về thẳng nhà Long An, kêu mẹ ra trả tiền taxi và kiên quyết không quay lại trường học. Khi mẹ em đưa em lên lấy lại đồ đạc, bà nói với tôi: “Nó dọa không cho nó về nó sẽ tự tử. Nhưng nó thương cô lắm”.
Tôi không nói ra, nhưng tôi thở phào và mừng cho N. Tuy nhiên, tôi bị ban quản trị nhà trường rầy rà rất dữ. Họ nói tôi thiếu nghiêm khắc, yêu cầu tôi phải cho trò vào nền nếp.
Nhiều bạn đồng nghiệp của tôi đã áp dụng kỷ luật sắt để dạy bọn trẻ, trong đó có cả đòn roi. Họ rỉ tai những kinh nghiệm đánh đòn nhưng không gây thương tích và không để lại vết bầm. Tôi đã áp dụng một vài lần.
Tôi đã stress nặng nề vì đã dùng biện pháp mạnh này. Tôi vốn là một cô gái nhạy cảm, nên tôi đã dằn vặt rất nhiều.
Có một lần, một cô học trò của tôi khóc đòi ra ngoài đi chơi cuối tuần 30 phút. Tôi không cho phép, em đã hỏi tôi: “Cô thấy con vầy cô có vui không, trường học gì như nhà tù!”.
Tôi sững sờ và đau lòng. Đúng là tôi cũng bị “nhốt” và chỉ được ra ngoài mỗi 2 tuần/lần. Do thiếu giáo viên quản nhiệm nên cuối tuần tôi và bạn đồng nghiệp phải luân phiên nghỉ. Tôi cũng khát khao cuộc sống tự do bên ngoài cánh cổng trường.
Sự kỳ vọng quá lớn của phụ huynh cùng áp lực học hành dễ khiến học sinh bị trầm cảm. Ảnh: Đất Việt
Những đứa trẻ khao khát cuộc sống bên ngoài
Sau một thời gian tôi dùng kỷ luật sắt thì những học trò của tôi cũng dần phải chấp nhận và thích nghi. Nhìn bề ngoài thì chúng đã ngoan hơn, nghe lời hơn, chịu ăn, học, đi ngủ đúng giờ. “Trại lính” của chúng tôi vì vậy đỡ căng thẳng hơn.
Nhưng sự thực thì bọn trẻ chỉ chờ cơ hội là “dấy loạn”. Đó chính là những dịp đi ngoại khóa, đi chơi. Các em như những con chim sổ lồng rất vui vẻ, nhưng khi lùa chúng về lại trường là rất khó. Chúng khóc lóc, đau bụng, nhức đầu, mệt xỉu, đủ cả.
Áp lực thành tích rất khủng khiếp Ban Quản trị nhà trường luôn cam kết với phụ huynh sẽ rèn con em họ tiến bộ. Vì vậy, học sinh không được phép lười và học dốt. Ban Quản trị gây sức ép rất lớn đến các giáo viên để rèn học sinh vào khuôn. Vậy là giáo viên phải gây sức ép với học sinh. Nếu lớp nào điểm kém, giáo viên mất thi đua, chậm tăng lương… |
Đáng lo nhất là chúng yêu đương hẹn hò. Khi về trường rồi, nhiều em vẫn tiếp tục lén lút hẹn hò trong những góc khuất hoặc trong nhà vệ sinh. Thiếu thốn tình cảm gia đình nên các em rất nhạy cảm và yêu đương quyết liệt.
Có lần tôi được báo có hai bạn hay trốn vào buổi tối để “yêu” nhau. Tôi đã phải đi kiểm tra mỗi tối, đếm đủ học sinh trên các giường rồi mới chốt cửa phòng.
Nhưng làm thế nào đó mà những trái tim non loạn nhịp vẫn tìm được cách qua mặt thầy cô. Cho đến một ngày, một nữ sinh của tôi khóc ngất đòi “đi chết” vì đã quan hệ với bạn trai mà bạn trai lại bỏ cô bé đi… yêu người khác. Tôi hoảng hồn, tìm mọi cách giúp em trấn tĩnh, bảo vệ sức khỏe cho em và luôn canh chừng để cô bé không làm bậy.
Nhiều em học sinh khác đã nổi loạn bằng cách gây lộn, đánh nhau. Những đứa trẻ của tôi không hề là trẻ hư, chỉ vì chúng bị ức chế và thiếu thốn sự quan tâm từ chính gia đình.
Nhiều em cuối tuần không có người thân đến đón, chúng xin tôi ra khỏi trường đi chơi, tôi không cho phép vì theo nguyên tắc phải có phụ huynh đến bảo lãnh mới được ra khỏi trường. Có em đã bẻ cây viết lấy cạnh sắc rạch tay chảy máu rồi nói với tôi: "Cô kêu má lên đón em đi, em rạch tay chảy máu rồi”.
Hai cô trò ôm nhau khóc, không biết ai đã khóc nhiều hơn.
Sau hai năm, không chịu nổi những áp lực tâm lý, tôi xin nghỉ và rời khỏi trường.
Những em học sinh cũ sau này gặp tôi đã hồ hởi nói: “Cô ơi, ngày em ra khỏi trường, em thấy như được tái sinh vậy đó. Những tù nhân được ra khỏi trại chắc cũng vui giống em bây giờ”.
***
Những trải nghiệm đó đã khiến tôi đinh ninh một điều rằng, tôi sẽ không bao giờ gửi con vào trường nội trú.
Kiến thức là quan trọng. Nhưng với một đứa trẻ, hơi ấm gia đình và sự yêu thương quan trọng hơn nhiều.
UNESCO đã đề xướng mục tiêu giáo dục: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình. Nhưng với cách rèn người như một trại lính trong trường nội trú mà tôi từng là “tòng phạm”, các em chỉ học để thi. Làm sao có thể làm, chung sống, tự khẳng định trong môi trường hoàn toàn cách ly cuộc sống như thế?!
HỒNG MINH ghi theo lời kể của cô NTHT,
cựu giáo viên một trường nội trú ở TP.HCM
Phụ huynh hiểu và đồng ý cho con vào trường nội trú Là phụ huynh có con đang học tại trường Nguyễn Khuyến, quận Tân Bình, TP.HCM, tôi cũng có vài suy nghĩ qua sự việc nam sinh tự tử. Cho con vào nội trú ngôi trường này, phụ huynh nào cũng mong muốn con mình học tốt, tránh xa được những cám dỗ, cái xấu bên ngoài. Khi đưa con vào học thì bản thân phụ huynh, học sinh đều hiểu và đồng ý với những quy định của nhà trường đưa ra. Có một số ý kiến cho rằng môi trường học tập ở đây như trại lính, ép học sinh quá sức. Theo tôi, phải hiểu đúng đây chỉ là môi trường nghiêm khắc để rèn luyện con em mình. Kênh liên lạc thường xuyên giữa gia đình với học sinh là chiếc điện thoại của cô nội trú. Sau giờ học, các học sinh có thể dùng điện thoại của cô để nhắn tin, gọi về nhà. Con tôi cũng từng tâm sự, cháu nói có lúc chương trình học quá nhiều, bạn nào cũng than mệt. Lo cho con, tôi gọi điện thoại về trường xin gặp đại diện nhà trường để phản ánh, sau đó thì mọi việc đã tốt hơn. Sau khi sự việc (nam sinh tự tử) đau lòng xảy ra, tôi cũng đã lên trường để gặp và động viên con mình. Cháu có nói cô kêu các em viết bức tâm thư để gửi cho phụ huynh. Tôi chưa đọc và cũng không hiểu cô giáo (hay nhà trường) kêu các em viết tâm thư để làm gì? Trách nhiệm về việc học của các em không chỉ từ gia đình. Sự việc cũng đã xảy ra rồi, mong rằng các bậc cha mẹ hãy quan tâm, chia sẻ hơn nữa với con mình, nhất là khi đưa chúng vào nội trú. Nhà trường cũng nên xem lại việc phân bổ chương trình, thời khóa biểu hợp lý, có thời gian để các em nghỉ ngơi, giải trí. Một phụ huynh có con học Trường THPT Nguyễn Khuyến, quận Tân Bình, TP.HCM |