Tôn trọng, tạo điều kiện cho luật sư chỉ định

Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh các bất cập trong hoạt động bào chữa theo chỉ định. Sau khi báo đăng, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết của bạn đọc. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước).

Tôi thấy rằng nội dung phản ánh của báo là đúng và cần thiết. Hiện tượng luật sư bào chữa chỉ định có mặt theo kiểu hình thức, cho đủ thủ tục đã và đang diễn ra ở một bộ phận luật sư, làm xấu đi hình ảnh của những luật sư hành nghề chân chính trong mắt mọi người. Trong giới luật sư chúng tôi, những người làm nghề chân chính, có tâm không ai đồng tình với cách làm như thế cả.

Để giải quyết vấn đề này, theo tôi cần phải bình tĩnh tìm ra điểm mấu chốt để từ đó có giải pháp nâng cao chất lượng bào chữa chỉ định của luật sư.

Xóa “án bỏ túi”

Trước hết, về phía người tiến hành tố tụng cũng cần có sự thay đổi về nhận thức đối với vai trò của luật sư chỉ định trong các vụ án hình sự. Hiện nay vẫn tồn tại tình trạng một số người tiến hành tố tụng xem nhẹ vai trò luật sư. Họ xem sự có mặt của luật sư chỉ là sự “trang điểm” cho phiên tòa, cho đủ thủ tục để không bị hủy án chứ không phải vì muốn được nghe lời bào chữa của luật sư.

Có nhiều trường hợp luật sư nghiên cứu hồ sơ, trao đổi quan điểm với kiểm sát viên, thẩm phán giải quyết án về tội danh, tình tiết, chứng cứ, những căn cứ pháp luật mà luật sư thấy rằng còn chưa thỏa đáng. Thay vì được lắng nghe thì luật sư chỉ nhận được những câu trả lời như: “Vụ này đã họp quyết rồi, không thay đổi được đâu”. Án chưa xử nhưng luật sư đã phần nào biết được kết quả thì còn đâu tâm huyết nữa mà bào chữa bởi có nói cũng không ai nghe.

Tôn trọng, tạo điều kiện cho luật sư chỉ định ảnh 1

Luật sư đang bào chữa cho bị cáo tại một phiên tòa lưu động. Ảnh minh họa: HTD

Nghiêm túc hơn

Ngay cả cách mời luật sư bào chữa chỉ định cũng kỳ lạ. Rất nhiều trường hợp luật sư chỉ được thư ký phiên tòa gọi điện báo ngày xử mà không hề nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử. Có khi việc báo ngày xử chỉ cách thời điểm mở phiên tòa một, hai ngày nên luật sư không cách nào chuẩn bị kịp. Nếu luật sư từ chối hay yêu cầu phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định tại Điều 182 Bộ luật Tố tụng hình sự mới tham gia thì bị coi là “làm khó tòa”, là “bất hợp tác”. Thậm chí có trường hợp người tiến hành tố tụng còn “méc” với ban chủ nhiệm đoàn luật sư chỉ vì luật sư chỉ định… yêu cầu cơ quan tố tụng làm đúng pháp luật.

Nhưng có lẽ điều mà luật sư chỉ định ngán nhất là việc tòa hoãn phiên xử “ngang hông”. Có không ít trường hợp mà chính tôi là “nạn nhân”: Đi hàng trăm cây số để tham gia phiên tòa theo yêu cầu của thẩm phán, đến nơi chỉ nhận được một câu nói hết sức lạnh lùng “Phiên tòa hoãn rồi, luật sư về đi, khi nào có lịch mới sẽ báo” và không bao giờ có một câu xin lỗi, dù chỉ là xã giao. Mà đâu chỉ hoãn một lần, có những phiên tòa hoãn đến 4-5 lần mà lần nào cũng không có lý do rõ ràng. Tôi đã từng làm văn bản kiến nghị chánh án TAND cấp huyện ở một địa phương tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì sau đó “được” đưa vào danh sách của tòa này là “luật sư này quậy lắm” (!).

Một vấn đề nữa cũng ảnh hưởng đến chất lượng bào chữa trong các vụ án chỉ định, đó là các cơ quan tố tụng không gửi các quyết định tố tụng liên quan đến bị can, bị cáo cho luật sư bào chữa như quy định tại điểm a khoản 2 Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự dù luật sư yêu cầu.

Vì sự thật và công lý

Nhiều luật sư vì không muốn sẽ bị làm khó trong các vụ án mà khách hàng mời nên đành thỏa hiệp, làm ngơ trước cách hành xử không đẹp, không đúng luật của người tiến hành tố tụng trong các vụ án chỉ định luật sư.

Nói ra điều này không phải để “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết” mà tôi chỉ muốn nhân dịp này, người tiến hành tố tụng và luật sư cùng nhìn ra cái chưa được để mà khắc phục. Các cơ quan tiến hành tố tụng tôn trọng, tạo điều kiện để luật sư bào chữa chỉ định làm hết trách nhiệm, có hiệu quả cũng chính là giúp cho các cơ quan tố tụng giải quyết vụ án tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn, góp phần tìm ra sự thật, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật.

Không nên phân biệt án mời hay án chỉ định

Ở góc độ làm nghề, theo tôi, những luật sư bào chữa chỉ định theo kiểu qua loa cho có có mấy cái hại: Thứ nhất, họ tự hạ thấp uy tín, danh dự của mình trước mọi người. Thứ hai, họ đã đi ngược lại tôn chỉ, mục đích và quy tắc đạo đức của nghề luật sư. Thứ ba, họ đã bỏ qua cơ hội, kinh nghiệm khi xử lý những tình tiết pháp lý thú vị của vụ án mà có khi trong quá trình hành nghề sau này họ gặp lại.

Đối với cá nhân tôi, mỗi một vụ án (dù là án được khách hàng mời hay án do cơ quan tố tụng chỉ định) đều là một “bài toán pháp lý” mà người hành nghề luật sư phải giải cho được. Mỗi lần giải được “bài toán pháp lý” là một lần luật sư rút được nhiều kiến thức chuyên môn, bài học kinh nghiệm quý báu cho chính mình. Biết đâu chính trong cuộc đời hoạt động của mình có những vụ án do khách hàng mời lại có những tình huống pháp lý tương tự như án chỉ định trước đó. Nếu luật sư xử lý tốt “bài toán pháp lý” khi làm án chỉ định sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi gặp lại tình huống tương tự.

Chính vì vậy, đã là luật sư thì không nên phân biệt án mời hay án chỉ định!


NGUYỄN VĂN ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm