Tổng lực dập dịch COVID-19 tại Hải Dương, Quảng Ninh

Tối 28-1, ba tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng ghi nhận thêm 14 ca nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca cộng đồng trong ngày lên 98. Trong đó, riêng tại Hải Dương ghi nhận đến 84 ca nhiễm cộng đồng trong ngày. Cùng với bảy ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay, chỉ trong ngày 28-1, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 105 ca nhiễm COVID-19.

Dựng người dân dậy lúc 1 giờ sáng để làm xét nghiệm

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp khẩn quán triệt phương án chống dịch với 63 tỉnh, TP.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ổ dịch tại Chí Linh, Hải Dương là ổ dịch lớn nhất từ trước đến nay và khả năng lây lan rất nhanh. Tuy nhiên, tất cả sự cố của Quảng Ninh, Hải Dương như hôm nay đã được ngành y tế lường trước. Phó Thủ tướng đề nghị không riêng gì Chí Linh, Hải Dương hay Quảng Ninh mà tất cả địa phương khác đều tuyệt đối không được chủ quan. Đặc biệt là đối với các cơ sở y tế, phải nâng mức cảnh giác lên trên một nấc, đảm bảo an toàn tối đa.

“Sáng nay ở ổ Vân Đồn đã thêm 10 trường hợp, ổ Chí Linh thêm 72 trường hợp. Chưa có mẻ nào lớn như vậy, Đà Nẵng cũng chưa. Hai lý do chính của việc ghi nhận cùng lúc nhiều ca như vậy, thứ nhất là vì virus biến thể lây lan rất nhanh. Thứ hai là chúng ta đã khẩn trương xét nghiệm diện rộng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng hoan nghênh hai tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Bộ Y tế không lãng phí một giờ phút nào. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Phó Thủ tướng, đêm 27 rạng sáng 28-1, ban chỉ đạo đã khẩn trương lấy hơn 4.000 mẫu ở Hải Dương xét nghiệm. Quảng Ninh đã chủ động lấy mẫu xét nghiệm đến các F3.

“Đêm qua, tổ công tác của Bộ Y tế về Hải Dương lúc 1 giờ sáng, lúc đó người dân đang ngủ. Tôi đã gọi điện cho chủ tịch tỉnh yêu cầu dựng người dân dậy để gấp rút thực hiện xét nghiệm. Vì biết phong tỏa là bất lợi vô cùng cho người dân nhưng kiểm soát tốt, làm ngay thì mới dập được dịch. Nếu ngại khó, ngại khổ, chúng ta có thể không lường trước được hậu quả” - ông Đam nói.

Theo nghiên cứu, Hải Dương là nơi có nhiều người già mắc bệnh nền nhất cả nước. Do đó, ngành y tế tỉnh này phải giữ chặt hệ thống y tế, tất cả bệnh nhân nền phải theo dõi và phải xét nghiệm. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng như Đà Nẵng.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng, xử phạt nếu vi phạm, đặt lợi ích sức khỏe lên trên hết. “Chúng ta không nghiêm sẽ rất vất vả, chỉ một tỉnh như Hải Dương mà Bộ Y tế phải chi viện sáu đơn vị xuống, nếu 10 nơi như Hải Dương thì Bộ Y tế chịu” - Phó Thủ tướng nói.

Ông Đam cũng cho biết ổ dịch ở Chí Linh, Hải Dương lây nhiễm nhanh như vậy là do có thể đã 10 ngày không phát hiện ra. Sắp tới, ngành y tế sẽ yêu cầu cách ly người nghi mắc, F1, F2, người về nước 21 ngày thay cho 14 ngày.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương nâng cao cảnh giác, cộng đồng chung tay cùng ngành y tế, nếu phát hiện ai từ nước ngoài về phải khai báo với chính quyền.

“Con virus này rất nhanh, do đó chúng ta phải nhanh hơn. Phấn đấu nhanh, chạy đua với thời gian để dập được ổ dịch. Mọi người không được chủ quan” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Vì sao sân bay Vân Đồn nhỏ, mỗi ngày vài chuyến bay, tất cả đều đảm bảo an ninh rất chặt chẽ lại vẫn có ca nhiễm? Tại sao ổ dịch ở công ty tại Chí Linh, Hải Dương lại lây lan nhanh như vậy? Phó Thủ tướng đặt vấn đề: Liệu có phải vì các nơi này đã vì một phút lơ là, không đảm bảo giãn cách, không đeo khẩu trang mới dẫn đến sự cố này?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 

Thủ tướng: Bình tĩnh, xử lý dứt khoát ổ dịch

Sáng cùng ngày, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, nơi đang diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc triệu tập cuộc họp khẩn về công tác phòng, chống COVID-19.

Thủ tướng yêu cầu: Phải tiếp tục thực hiện biện pháp hành chính mạnh mẽ như không cho người từ Hải Dương, Quảng Ninh di chuyển ra ngoài tỉnh; tiếp tục sàng lọc, tìm nguồn gốc, ổ dịch lây nhiễm; lãnh đạo Ban chỉ đạo, Bộ Y tế, Hải Dương, Quảng Ninh trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Thủ tướng yêu cầu khoanh vùng, cách ly, truy vết thần tốc trên diện rộng nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh.

“Sau khi nghe báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế, tôi đề nghị phải công khai nhưng không để người dân hoang mang, bằng cách phổ biến kịp thời các biện pháp, quyết liệt và cụ thể của Chính phủ, của Ban chỉ đạo và Bộ Y tế trong phòng, chống dịch thời gian qua. Đặc biệt, Ban chỉ đạo và Bộ Y tế, đặc biệt là hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh phải chủ động các biện pháp quyết liệt như truy vết và khoanh vùng. Tôi đề nghị tiếp tục các biện pháp mạnh mẽ để khoanh vùng, cách ly, truy vết thần tốc và dập dịch trên diện rộng” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Chốt kiểm soát dịch COVID-19 vừa đi vào hoạt động tại xã Hưng Đạo, 
TP Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: ĐỖ HOÀNG 

Chỉ thị khẩn 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Để nhanh chóng kiểm soát hiệu quả, triệt để dập dịch, không để bùng phát trong cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Trong đó riêng đối với hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, Thủ tướng yêu cầu:

- Đối với tỉnh Hải Dương: Phong tỏa toàn bộ TP Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương và áp dụng nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3- 2020 của Thủ tướng Chính phủ; chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương quyết định áp dụng biện pháp đóng cửa, dừng hoạt động các cơ sở không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; chỉ đạo truy vết thần tốc, khoanh vùng, dập dịch, xét nghiệm trên diện rộng và thực hiện cách ly tập trung với các trường hợp tiếp xúc gần trong 21 ngày; căn cứ theo mức độ nguy cơ với từng khu vực trên địa bàn, quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020.

- Đối với tỉnh Quảng Ninh: Tạm dừng hoạt động của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn kể từ 12 giờ ngày 28-1; chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định áp dụng biện pháp đóng cửa, dừng hoạt động các cơ sở không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; chỉ đạo truy vết thần tốc, khoanh vùng, dập dịch, xét nghiệm trên diện rộng và thực hiện cách ly tập trung với các trường hợp tiếp xúc gần trong 21 ngày; căn cứ theo mức độ nguy cơ với từng khu vực trên địa bàn, quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm