Chiến lược mà ông Obama đưa ra bao gồm 4 phương diện:
Thứ nhất: Mở chiến dịch không kích lực lượng khủng bố.
Ông Obama phát biểu, những đợt không kích này sẽ phối hợp và tạo điều kiện để lực lượng quân đội Iraq tấn công vào các vùng lãnh thổ mà tổ chức IS đang chiếm giữ.
Không những thế, Mỹ cũng sẵn sàng “săn đuổi”, không kích lực lượng khủng bố ngay trên đất Syria mà không cần xin phép chính phủ hiện thời. Ông cũng đồng thời bác bỏ tính hợp pháp của chính quyền tổng thống Assad.
Thứ hai: Tăng cường hỗ trợ cho những lực lượng đang chiến đấu trên bộ chống lại IS.
Ông Obama cho biết, Washington đã gửi hàng trăm nhân viên đến Iraq để hỗ trợ đào tạo các lực lượng an ninh của nước này từ tháng 6 năm nay. Sắp đến, ông sẽ cử đến Baghdad thêm 475 nhân viên để hỗ trợ chính phủ mới thành lập của Thủ tướng Abaldi.
Obama cũng cam kết các các nhân viên và quân đội Mỹ tại Iraq sẽ không trực tiếp tham chiến. Thay vào đó, họ thực hiện công tác huấn luyện, đào tạo kỹ thuật và thông tin tình báo cho quân đội người Kurd và quân đội Iraq.
Obama cũng tiếp tục kêu gọi Hạ viện nước này duyệt chi ngân sách các kế hoạch viện trợ, đào tạo và huấn luyện cho lực lượng đối lập tại Syria mà chính phủ đã đưa ra. Có thể thấy, ông Obama đang trông chờ lực lượng đối lập tại Syria, chứ không phải chính quyền Assad, sẽ đánh bại lực lượng IS trên đất Syria.
Thứ ba: Cô lập lực lượng khủng bố
Cùng với các đồng minh, Washington sẽ tiến hành bao vây, cắt các nguồn viện trợ tài chính của IS. Thông qua việc tăng cường hệ thống an ninh nội địa, lực lượng tình báo, tuyên truyền chống lại tư tưởng khủng bố, Obama hy vọng có thể ngăn chặn làn sóng tin đồ Hồi giáo gia nhập hàng ngũ Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Được biết, trong vòng 2 tuần, tổng thống Mỹ sẽ chủ trì một buổi họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để vận động sự đóng góp và tham gia của cộng đồng quốc tế.
Thứ 4: Viện trợ nhân đạo
Ông chủ của Nhà Trắng cũng đồng thời cam kết sẽ tiếp tục cung cấp các hỗ trợ nhân đạo cho dân thường tại Iraq, Syria và các nạn nhân của tổ chức khủng bố IS.
Mỹ cũng sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương giải quyết làn sóng những người Hồi giáo Sunni, Shiite, người Thiên chúa giáo và các dân tộc thiểu số đã bị IS đẩy khỏi vùng đất quê hương.
Nước Mỹ không “ôm đồm”
Ông Obama chủ động xoa dịu dư luận khi bác bỏ khả năng nước Mỹ lại sa lầy vào một cuộc chiến khác, hoặc phải phải gánh vác toàn bộ gánh nặng chi phí cho cuộc chiến chống khủng bố.
Khi trình bày về chiến lược tiêu diệt IS của nước Mỹ, ông Obama luôn nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống khủng bố không phải là cuộc chiến của riêng nước Mỹ, và lần này, nước Mỹ sẽ không quá “ôm đồm” như trong cuộc chiến tại Iraq hay Afghanistan.
Sáng 11-09, Tổng thống Mỹ Obama công bố chiến lược tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS (Reuters)
Trong mỗi phương diện của chiến lược tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, tổng thống Mỹ cho biết, Washington sẽ phối hợp với các đồng minh quốc tế và khu vực để triển khai hiệu quả.
Obama khẳng định Mỹ sẽ không triển khai bộ binh trên lãnh thổ Iraq và Syria. Ông tuyên bố “vũ khí và sức mạnh của nước Mỹ sẽ tạo nên sự khác biệt trên chiến trường”, tuy nhiên nước Mỹ không thể “làm giùm người Iraq những gì mà họ phải tự làm” và cũng không thể “thay thế các đồng minh Ả Rập duy trì nền an ninh khu vực” của họ.