Tổng thống Philippines sắp thăm Nhật, bàn cách đối phó với Trung Quốc

Thủ tướng Nhật Abe bắt tay Tổng thống Aquino tại Manila hồi tháng 7/2013.
Thủ tướng Nhật Abe bắt tay Tổng thống Aquino tại Manila hồi tháng 7/2013.
Ông Aquino sẽ gặp Thủ tướng Abe trong chuyến thăm kéo dài 1 ngày vào ngày 26/6, trong một động thái khác nhằm tăng cường quan hệ giữa lúc hai nước đều vướng vào các tranh chấp với Trung Quốc về các chủ quyền biển đảo.

Nữ phát ngôn viên Abigail Valte của Tổng thống Aquino cho hay các căng thẳng lãnh thổ nhiều khả năng sẽ là một chủ đề của cuộc hội đàm khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau. Tuy nhiên, bà Valte không tiết lộ các thông tin chi tiết.

Trong một tuyên bố thông báo về chuyến thăm được đưa ra vào tối 17/6, Bộ ngoại giao Philipines cũng nói rằng các căng thẳng với Trung Quốc sẽ được thảo luận, trong khi nhắc tới quan hệ “đối tác chiến lược” giữa hai nước.

“Cuộc gặp sẽ là một cơ hội để hai nhà lãnh đạo trao đổi các quan điểm về những diễn biến gần đây trong khu vực và thảo luận các lĩnh vực hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Philippines-Nhật Bản”, tuyên bố cho hay.

Tổng thống Aquino cũng sẽ có một bài phát biểu về các nỗ lực của chính phủ Philippines nhằm chấm dứt tình trạng nổi dậy của phiến quân Hồi giáo kéo dài nhiều thập niên ở miền nam nước này.

Nhật Bản và Philippines, từng là các địch thủ thời Thế chiến II, đã xích lại gần nhau trong những năm gần đây khi hai nước cùng đối phó với các tranh chấp lãnh thổ riêng rẽ với Trung Quốc.
Khi ông Abe tới thăm Manila hồi tháng 7 năm ngoái, ông đã cam kết rằng Nhật sẽ trợ giúp để tăng cường các khả năng phòng thủ hàng hải của Philippines.

Một phần trong cam kết đó là lời hứa cung cấp 10 tàu tuần tra cho lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines, vốn có vai trò đi đầu trong việc cố gắng theo dõi sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, trong đó có các vùng biển gần bờ Philippines và các quốc gia khác.

Trong những năm gần đây, Philippines đã nhiều lần phản đối sự hiện diện cả dân sự và quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh tại các đảo và vùng biển mà Manila nói là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Gần đây nhất, Philippines đã cáo buộc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo tại các bãi đá ngầm ở Biển Đông, có thể là để mở đường cho việc xây dựng các căn cứ quân sự.

Trong khi đó, quan hệ Trung-Nhật cũng xấu đi vì cuộc tranh chấp lãnh thổ liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông.

Hồi tuần trước, Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo tới để phản đối sau khi các máy bay Trung Quốc áp sát máy bay Nhật gần quần đảo tranh chấp.

Theo Ninh Vân/Dân trí
Theo Inquirer, AFP

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm