Tổng thư ký LHQ thăm Việt Nam: Coi trọng và thúc đẩy sự gắn kết

(PLO)- Chuyến thăm của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres thể hiện sự ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của Việt Nam trên trường quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres sẽ thăm chính thức Việt Nam (VN) từ ngày 21 đến 22-10, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao VN. Chuyến thăm của ông Guterres đúng vào dịp VN kỷ niệm 45 năm gia nhập LHQ (1977-2022).

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Duẩn, giảng viên Khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, quanh sự kiện này.

Thể hiện sự coi trọng

. Phóng viên: Như ông đã biết, Tổng thư ký LHQ António Guterres thăm và làm việc tại VN vào ngày 21 và 22-10. Theo ông, chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào đối với VN trong thời điểm này, khi VN kỷ niệm 45 năm gia nhập LHQ và đặc biệt khi VN vừa trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025?

VN đã, đang và sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho công việc chung của LHQ trong giải quyết các thách thức toàn cầu, vì hòa bình và phát triển trên thế giới.

TS NGUYỄN VĂN DUẨN, giảng viên

Khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM

+ TS Nguyễn Văn Duẩn: Tôi cho rằng chuyến thăm của Tổng thư ký LHQ diễn ra đúng dịp kỷ niệm 45 năm VN trở thành thành viên của LHQ có ý nghĩa quan trọng.

Thứ nhất, đây là minh chứng cho các cam kết và nỗ lực của VN đã đóng góp tích cực cho công việc chung của LHQ, trong đó có việc thúc đẩy tám Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và 17 Mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Thứ hai, LHQ là tổ chức đa phương toàn cầu lớn nhất với sự tham gia của hầu hết các quốc gia trên thế giới. LHQ là cơ quan liên chính phủ quy mô lớn nhất và chức năng của cơ quan này trải rộng tới mọi mặt của đời sống quốc tế và mỗi quốc gia. LHQ là diễn đàn toàn cầu duy nhất để thúc đẩy đối thoại và hiểu biết chung giữa các nước. Do đó, chuyến thăm của Tổng thư ký LHQ cho thấy tổ chức này rất coi trọng đối tác thành viên là VN.

Thứ ba, việc VN trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ lần thứ hai, lần này là nhiệm kỳ 2023-2025, cho thấy sự tín nhiệm mà quốc tế dành cho VN. Đây đồng thời là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu mà VN đã và đang thực hiện được, đảm bảo ngày càng tốt hơn về các quyền của người dân trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, tôn giáo…

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guteress (phải) gặp Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Hoàng Giang và chúc mừng việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) ngày 13-10. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guteress (phải) gặp Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Hoàng Giang và chúc mừng việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) ngày 13-10. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam

VN là thành viên không thể thiếu của LHQ

. Sau 45 năm gia nhập LHQ, VN đã có những đóng góp nào nổi bật cho công việc chung LHQ và ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực này đối với hòa bình, an ninh và sự phát triển của thế giới? Những đóng góp này giúp VN cải thiện tiếng nói, vị thế của mình trên trường quốc tế như thế nào?

+ Sau 45 năm gia nhập LHQ, VN đã có nhiều đóng góp nổi bật. VN tham gia tích cực và chủ động trên nhiều lĩnh vực liên quan đến hòa bình an ninh, giải trừ quân bị cũng như phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, dân số… đều là những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của LHQ. Với sự đóng góp này, vị thế của VN tại LHQ được phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, phù hợp với chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước.

Cụ thể, VN từng đảm nhiệm các vị trí: phó chủ tịch Đại hội đồng LHQ các năm 1997, 2000 và 2003; là thành viên Hội đồng Kinh tế xã hội (1997-2000); chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) khóa 33; thành viên Ủy ban Nhân quyền (2001-2003): Thành viên Hội đồng chấp hành Chương trình phát triển và Quỹ Dân số LHQ (2000-2002); thành viên Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (1991-1993, 1997-1999 và 2003-2005)… Đặc biệt, trong kỳ họp lần 62 Đại hội đồng LHQ, VN đã được bầu vào cương vị thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 với số phiếu rất cao là 183/190 phiếu hợp lệ.

Về an ninh giải trừ quân bị, VN đã tích cực tham gia quá trình thương lượng và là thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học (CWC) năm 1998, ký Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996 và phê chuẩn hiệp ước này năm 2006. VN cũng đã tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị giải trừ quân bị (CD) từ ngày 17-6-1996.

Về hợp tác phát triển, trọng tâm mới của LHQ tại VN được thể hiện trong Khuôn khổ Hỗ trợ phát triển LHQ (UNDAF) đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2005. Đây là tài liệu định hướng chung cho các hoạt động của LHQ tại VN.

Những đóng góp trên giúp VN cải thiện tiếng nói, vị thế của mình trên trường quốc tế. LHQ đánh giá cao các hoạt động ngày càng tích cực của VN tại tổ chức này. Các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa LHQ và VN đã diễn ra thường xuyên hơn. Cụ thể, tháng 5-2006, Tổng thư ký LHQ Kofi Anna tới thăm VN; tháng 5-2015, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon sang thăm VN và bây giờ là chuyến thăm của Tổng thư ký António Guterres. Chuyến thăm của ông Guterres sẽ thể hiện thông điệp mạnh mẽ về sự coi trọng của LHQ đối với quan hệ đối tác VN - LHQ trong 45 năm qua, khẳng định VN là một trong những thành viên không thể thiếu của LHQ.

. Xin cám ơn ông. •

Sự giúp đỡ, hỗ trợ to lớn của LHQ với VN trong 45 năm qua

Tại buổi trao đổi, TS Nguyễn Văn Duẩn đã chia sẻ, đánh giá về sự giúp đỡ, hỗ trợ của LHQ cho VN trong suốt 45 năm qua và những thành công mà sự hỗ trợ này mang lại cho VN.

Theo TS Duẩn, sự giúp đỡ, hỗ trợ của LHQ cho VN trong suốt 45 năm qua có thể chia thành hai giai đoạn. Một là giai đoạn 1977-1991. Giai đoạn này chịu sự tác động của Chiến tranh Lạnh, nhìn chung quan hệ giữa VN và LHQ còn ở mức hạn chế, tuy nhiên các tổ chức chuyên môn thuộc hệ thống phát triển của LHQ đã giúp VN khắc phục những khó khăn kinh tế - xã hội, hậu quả chiến tranh, thiên tai, hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo vệ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao trình độ công nghệ và thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Hai là giai đoạn từ năm 1991 đến nay. Đặc trưng giai đoạn này là sự tham gia tích cực của VN vào các hoạt động của LHQ cũng như sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các quỹ, các tổ chức của LHQ cho VN. Hiện nay, ngoài cơ quan đại diện của LHQ, còn có khoảng 15 tổ chức, cơ quan, chương trình, quỹ của LHQ đang hoạt động và có văn phòng tại VN: Chương trình phát triển của LHQ (UNDP) - là tổ chức chuyên cung cấp các nguồn viện trợ không hoàn lại cho các nước đang phát triển trong suốt hơn 30 năm qua; Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) - mục đích là chăm sóc, phục vụ và bảo vệ quyền lợi cho sự phát triển của trẻ em trên thế giới, trong đó có trẻ em VN; Chương trình định cư con người của LHQ, Chương trình tình nguyện viên LHQ, Văn phòng về ma túy và tội phạm của LHQ, Cao ủy LHQ về người tị nạn… Hệ thống chương trình và tổ chức của LHQ đã giúp đỡ và hỗ trợ VN rất nhiều trong suốt hơn 30 năm qua nhằm góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế chung của VN.

TS Duẩn cho rằng những sự hỗ trợ trên đã đóng góp không nhỏ vào sự thành công trong công cuộc thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm