TP.HCM cho phép tạo nguồn lãnh đạo từ đối tượng ngoài Đảng

(PLO)- Để mở rộng nguồn quy hoạch đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, TP.HCM sẽ từng bước nghiên cứu đề xuất các cơ chế cho phép tạo nguồn từ đối tượng ngoài Đảng có năng lực, có tâm, có tầm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định phê duyệt đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030.

Theo đó, mục tiêu của đề án là xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả để phụng sự người dân và kiến tạo phát triển, đồng thời xây dựng đội ngũ công chức, viên chức “muốn làm, làm được, được làm”.

TP.HCM cho phép tạo nguồn lãnh đạo từ đối tượng ngoài Đảng-tao-nguon-lanh-dao-tu-doi-tuong-ngoai-dang-tem.jpg
UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030. Ảnh: THUẬN VĂN

Với tinh thần đó, TP.HCM xây dựng năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn. Gồm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ; hoàn thiện tổ chức, bộ máy; đầu tư cơ sở vật chất và hiện đại hóa nền công vụ; kiên trì kiến nghị, đề xuất, tìm kiếm các đột phá về thể chế; nhóm vấn đề cần tiếp nối bằng các đề án nhánh mang tính chiến lược.

Trong đó, để xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ, TP.HCM đề ra hàng loạt chính sách giúp cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là cán bộ) phát triển sự nghiệp.

Cụ thể, TP.HCM mở rộng phương thức bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý các cấp thông qua thi tuyển cạnh tranh.

Những trường hợp cán bộ trong nguồn quy hoạch tại chỗ vào chức danh cần thi tuyển và tương đương trở lên, đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm không đăng ký tham gia dự tuyển thì hằng năm khi rà soát danh sách quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

TP.HCM cũng thí điểm thí điểm mô hình tập sự lãnh đạo, quản lý các cấp để hoàn thiện mô hình về sau.

UBND TP.HCM cho biết trong quá trình tập sự, cán bộ trong nguồn quy hoạch được chọn sẽ được trao cơ hội thử nghiệm, tiếp cận thực tế, làm quen với vai trò, vị trí lãnh đạo, quản lý, làm quen công việc trong một thời gian nhất định trước khi bổ nhiệm chính thức.

Tập sự cũng được xem là khâu sát hạch năng lực và mức độ phù hợp với vị trí đảm nhận của các cá nhân được quy hoạch.

tao-nguon-lanh-dao-tu-doi-tuong-ngoai-dang-1.jpg
TP.HCM cho phép tạo nguồn lãnh đạo từ đối tượng ngoài Đảng, có năng lực, có tâm, có tầm. Ảnh: THUẬN VĂN

Đáng chú ý, để mở rộng nguồn quy hoạch đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, TP.HCM từng bước nghiên cứu đề xuất các cơ chế cho phép tạo nguồn lãnh đạo, quản lý từ đối tượng ngoài Đảng có năng lực, có tâm, có tầm.

Chính sách này có thể giúp khai thác triệt để nguồn nhân lực chất lượng cao, làm phong phú thêm các giải pháp, sáng kiến trong công tác cán bộ.

UBND TP.HCM nhìn nhận đội ngũ này sẽ là đối tượng có chất lượng để tiếp tục theo dõi, rèn luyện, kết nạp vào Đảng; từ đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững và đồng thuận trong xã hội.

Theo đề án, TP.HCM ưu tiên quy hoạch đối với cán bộ, cá nhân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thực hiện có hiệu quả đề án về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các sở, ban, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức thuộc TP.HCM. Tăng cường thực hiện công tác luân chuyển, điều động, đưa lãnh đạo, quản lý về cơ sở và ngược lại.

Trong sàng lọc, TP.HCM sẽ ban hành quy định về miễn nhiệm, từ chức, điều chuyển, thay thế đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật hoặc uy tín giảm sút; năng lực hạn chế, kết quả công tác không đáp ứng yêu cầu thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP.HCM.

Thường xuyên rà soát, sắp xếp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ để đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về sức khỏe, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức.

Khuyến khích về hưu trước tuổi đối với các trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý không thuộc đối tượng tinh giản biên chế nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc không đảm bảo về sức khỏe, để khuyến khích, động viên nhóm đối tượng này nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ từng bước triển khai các biện pháp bảo vệ cán bộ và cá nhân trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc UBND TP.HCM năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ngoài ra, còn có các chính sách sách đãi ngộ về nhà ở, hỗ trợ thu nhập, tôn vinh, khen thưởng, cân bằng công việc - cuộc sống…

Giảm hội họp, báo cáo, phong trào

Để giảm áp lực trong công việc, TP.HCM sẽ triển khai các phương thức làm việc mới, ban hành các quy định triển khai thí điểm chế độ làm việc từ xa, khuyến khích mở rộng và phát triển các hình thức họp, hội thảo trực tuyến.

Cùng đó, xây dựng các nền tảng phát triển các hình thức học tập, đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến cho đội ngũ cán bộ.

Khai thác các ứng dụng công nghệ để giảm bớt áp lực từ chế độ hội họp, báo cáo quá nhiều, áp lực từ việc tham gia các phong trào, sự kiện ngoài hoạt động chuyên môn làm ảnh hưởng đến công việc…

TP.HCM nghiên cứu, triển khai ứng dụng nền tảng Trợ lý ảo thuộc ba nhóm, gồm trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức; trợ lý ảo hỗ trợ rà soát văn bản quy phạm pháp luật và trợ lý ảo phục vụ người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm