Nhân dịp đầu năm mới, Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi cùng nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung xoay quanh chủ đề xây dựng con người TP.HCM văn hóa, gắn với nếp sống văn minh đô thị.
Ông Giản Tư Trung chia sẻ: Tuy không sinh ra, lớn lên ở TP.HCM nhưng tôi lại rất yêu TP này. Bởi lẽ nó đã cưu mang mình và thấy nó đẹp theo cách của mình, dẫu có những thứ mình không thích như ô nhiễm, kẹt xe, ngập nước, cướp giật… nhưng ẩn sâu Sài Gòn có vẻ đẹp của nó.
Trong cảm thức về TP này, TP kỳ diệu ở chỗ không chối bỏ bất cứ con người nào, không bạc đãi bất cứ ai có năng lực và nỗ lực, không làm cho ai thấy là khách và ai cũng có thể là chủ nhân của nó…
TP là nơi ai cũng thấy “thuộc về”
. Phóng viên: Vậy theo ông, bản sắc văn hóa riêng của người sống ở Sài Gòn sẽ là gì?
+ Ông Giản Tư Trung: Đầu tiên là tính mở. Việt Nam có 63 tỉnh, thành thì người từ 62 tỉnh, thành còn lại đến TP.HCM sống họ không gặp khó khăn trong quá trình hội nhập. Tính mở của người Sài Gòn luôn cao nhất trong các tỉnh, thành. Và lạ lùng là cũng không ai dám vỗ ngực xưng tên mình là người Sài Gòn bởi tính mở vốn có này. TP.HCM là TP của người nhập cư, là nơi ai cũng thấy “thuộc về” nhưng không ai bày tỏ “sở hữu” nó hết.
Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung. Ảnh: QUỲNH TRANG
Trong làn sóng nhập cư, Sài Gòn cũng mang theo tính hào sảng của người Nam bộ nhưng khác Nam bộ ở chất thị tứ và mở kiểu phương Tây, chứ không rặc miền quê. Chính từ đó, đặc tính rõ nhất của Sài Gòn rất thành thị, rất hào sảng và cũng rất mở.
. Nếu ngẫm về văn hóa Sài Gòn, ông có những ưu tư gì?
+ Bất cứ ai yêu TP này cũng đều sẽ có những ưu tư về nó. Nhất là chúng ta vẫn chưa phác ra chân dung diện mạo văn hóa Sài Gòn mà chúng ta muốn hướng đến, cũng chưa nhìn nhận đúng mức về văn hóa và lịch sử TP để từ đó có thể có sự kết nối chặt chẽ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của văn hóa vùng đất này.
Tôi đơn cử, lâu nay chúng ta tranh cãi giữ hay bỏ nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm, dinh Thượng Thư, hay có nên xây nhà hát giao hưởng hay không... Có những tranh luận rất sâu sắc và đáng suy ngẫm nhưng hầu hết tranh cãi đều là những sự kiện truyền thông mà thiếu dấu ấn của những ý kiến xác đáng về văn hóa. Nhưng sau nhiều phản ánh có giá trị, TP đã quyết định giữ nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm như là di tích, đó là một quyết định đúng đắn, kịp thời và là tin vui cho những ai yêu mến văn hóa.
Với hai di chỉ này, chúng ta đừng nhìn nó chỉ dưới góc độ tôn giáo, hãy nghĩ xa hơn, khi Thủ Thiêm vẫn sình lầy lau sậy, vậy mà từ hơn 150 năm trước hội dòng đã có mặt ở đây. Đó là một di sản hiếm hoi của lịch sử Sài Gòn vốn còn non trẻ. Đó là dấu tích xưa, là một phần hồn cốt văn hóa, là ký ức và tâm thức của Sài Gòn.
Chính vì thế, việc giữ lại những di sản, không chỉ là tăng thêm “trí”, thêm “hồn cốt” cho Sài Gòn mà còn cho người dân TP.
Hàng ngàn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại TP.HCM được hỗ trợ về quê đón Tết cùng gia đình trên “Chuyến xe mùa xuân – Tết sum vầy” 2020. Ảnh: HOÀNG GIANG
Xây dựng một xã hội nhân bản
. Thế nhưng tất cả di sản vẫn chỉ là di sản nếu con người không thông qua di sản bồi đắp văn hóa cho chính mình…
+ Đúng những điều tôi ví dụ bên trên là về lịch sử và những hữu hình, mà văn hóa thì còn những thứ vô hình, những thứ ở hiện tại và cả tương lai nữa. Những di sản nói trên sẽ góp phần bồi đắp văn hóa con người nhưng khó hơn chính là bồi đắp những giá trị vô hình, những giá trị tinh thần để TP trở thành văn minh.
Có thể thấy rằng ngày nay mọi thứ đều có thể thay đổi, thậm chí có những thứ mà hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm nay được xem là chân lý cũng bị thay đổi để hình thành chân lý mới. Tất cả đều có thể thay đổi nhưng có một thứ có giá trị bất biến, trường tồn, đó chính là tính nhân bản - “nhân là người, bản là gốc”, nhân bản tức là lấy con người làm gốc, hay nói chính xác hơn là lấy giá trị và hạnh phúc của con người làm mục tiêu tối thượng. Và bất cứ thay đổi nào, kể cả chân lý ngàn năm mà có tính nhân bản cao hơn thì đều sẽ được đón nhận, dù sớm hay muộn. Khi bên trong con người có nhân tính thì hành vi của họ tự khắc có tính nhân bản và khi đó nếu có ai khác nhìn vào những hành vi này sẽ thấy tính nhân văn. Thế nên quan trọng nhất với văn hóa là nhân tính và mọi thay đổi dựa trên nhân bản, lấy phẩm giá, hạnh phúc con người làm trọng thì sẽ nhân văn và sẽ có văn minh đúng nghĩa.
. Thực tế ở Sài Gòn hiện nay, sự hào phóng của mỗi người được thể hiện rất nhiều, đó là bình trà đá, đĩa cơm vỉa hè, là những tủ quần áo cũ miễn phí… Theo ông, để nhân rộng mô hình đó không chỉ trong dân mà cả trong cán bộ thì làm sao?
+ Sâu xa vẫn là nhân bản, chúng ta cần thứ giáo dục nhân bản từ nhỏ. Trước hết là cần có giáo dục nhân bản trong gia đình. Cụ thể là mỗi nhà khi dạy con thì cần “lấy con làm gốc”, lấy con làm trọng, hay nói cách khác là lấy sự khai mở tâm trí và phát huy tiềm năng của con làm mục đích tối thượng của giáo dục gia đình, chứ không phải lấy bản mặt của gia đình làm trọng. Muốn con thành người thì phải xem con là con người, chứ nếu xem con như tài sản, xem con là công cụ để thực hiện giấc mơ của cha mẹ, là thứ trang sức của gia đình… thì con không thể thành người được.
Còn giáo dục nhân bản ở nhà trường là “lấy trò làm gốc”, “lấy sự học của học trò làm trọng”, coi sự khai mở nhân tính và khai phá tiềm năng của học trò làm mục tiêu tối thượng của nhà trường. Mở rộng ra, đối với cấp quản lý nhà nước thì phải lấy dân làm gốc chứ không phải là lấy quan làm trọng. Lấy phẩm giá và hạnh phúc của người dân làm mục tiêu tối thượng thì mọi thứ sẽ tốt hơn, tức đó gọi là chính quyền nhân bản.
. Xin cám ơn ông.