Tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong đợt dịch thứ 4 đến 16 giờ chiều hôm nay, TP.HCM có tổng cộng 15.095 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố.
Trong đó, 224 bệnh nhân đang trong tình trạng nặng, 8 ca được can thiệp hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO).
Hiện TP đang quản lý 10 khu cách ly với quy mô hơn 15.000 lượt và hiện đang cách ly 7.977 người. Bên cạnh đó, TP đã đưa vào hoạt động 19 bệnh viện dã chiến đang điều trị cho 16.727 người. TP đang tiếp nhận thêm 5 bệnh viện dã chiến nâng tổng quy mô bệnh viện dã chiến lên 24 cơ sở với công suất 44.890 giường.
Bác sĩ Bệnh viện điều trị COVID-19 đang chăm sóc cho bệnh nhân. Ảnh: HL
TP đã tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho 991.872 người, trong đó hơn 94.321 người đã được tiêm mũi 1 và hơn 48.000 người được tiêm mũi 2. Trong đợt tiêm vaccine mới, Sở Y tế đã trình UBND TP tiêm 1,1 triệu liều và sẽ phân bổ về các địa phương.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết trong vòng 24 giờ qua TP phát hiện thêm 1.602 bệnh nhân mới. Trong đó, 579 ca bệnh trong khu phong tỏa, 778 ca trong khu cách ly, 8 ca bị phơi nhiễm nghề nghiệp (BV quận Phú Nhuận, BV Nhi đồng 2, BV quận 7, BV Nhi đồng 2 và Trung tâm Y tế quận Bình Tân), 138 ca tầm soát tại BV và 3 ca tầm soát tại cộng đồng.
Theo ông Tâm, số ca bệnh trên được phát hiện chủ yếu trong khu cách ly và khu phong tỏa là diễn tiến tự nhiên. Tuy nhiên, số ca bệnh phát hiện trong cộng đồng so với ngày hôm qua đã giảm.
Trong vòng 24 giờ qua, tất cả 22 quận huyện và TP Thủ Đức đều có ca bệnh. TP Thủ Đức có số ca bệnh cao nhất với 176 ca, trong đó khu công nghệ cao vẫn tiếp tục phát hiện ca mới. Liên quan đến các ổ dịch, hiện TP đang có 70 ổ dịch, trong đó 26 ổ dịch đang diễn tiến, 6 ổ dịch chợ, 12 ổ dịch khu dân cư, 8 ổ dịch công ty và khu công nghiệp, 44 ổ dịch đã ổn định.
Liên quan đến việc cách ly F0 tại nhà, ông Hưng cho biết đang chờ có hướng dẫn của Bộ Y tế thì sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Bộ.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bệnh nhân F0 nếu trải qua 10 ngày không có triệu chứng và có tải lượng virus thấp có thể cho về cách ly tại nhà.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, trước tình hình số ca F0 đang tăng nhanh ở TP.HCM có thể gây quá tải và áp lực, Bộ Y tế dựa trên hướng dẫn của WHO xây dựng hướng dẫn thí điểm cách ly F0 tại nhà ở TP.HCM đối với 2 đối tượng gồm: nhóm F0 đã được cách ly hơn 10 ngày, có tải lượng virus lây lan thấp và nhóm F0 là nhân viên y tế có khả năng tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
F0 được cách ly tại nhà cũng phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở cách ly tại nhà như đối tượng F1 (có phòng riêng, ứng dụng phần mềm theo dõi sức khỏe, hệ thống trực tuyến theo dõi giám sát tại nhà...).