TP.HCM đang hoàn thiện hạ tầng đồng bộ tuyến metro số 1

(PLO)- Hoàn thành xây dựng cầu bộ hành và hệ thống xe buýt gom là nhiệm vụ trọng tâm để khai thác đồng bộ, hiệu quả tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau sự kiện chạy thử đoạn trên cao tuyến metro số 1 ở TP.HCM, chủ đầu tư dự án là Ban quản lý đường sắt đô thị TP (MAUR) tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm để khai thác toàn tuyến. Trong đó, ban này chú trọng vào công tác hoàn thiện hạ tầng, xây dựng cầu bộ hành và kết nối xe buýt với nhà ga…

Tuyến metro số 1 còn thiếu gì?

Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, MAUR và các nhà thầu đang tăng tốc đẩy nhanh tiến độ dự án. Cụ thể, đơn vị này đang hoàn thiện các ga ngầm, xây dựng các nhà ga trên cao, hoàn trả mặt bằng các khu vực rào chắn, chạy thử từng phần của tuyến metro số 1…

Tuyến metro số 1 đã hoàn thiện khoảng 94%. Ảnh: ĐT

Tuyến metro số 1 đã hoàn thiện khoảng 94%. Ảnh: ĐT

Theo MAUR, hiện nay tiến độ thi công toàn dự án tuyến metro số 1 đã đạt gần 94%.

Tuy nhiên, đến nay hạng mục xây dựng cầu bộ hành tuyến metro số 1 vẫn chưa triển khai. Song song đó, việc phát triển hệ thống xe buýt gom hành khách cho tuyến metro số 1 cũng vô cùng quan trọng.

Đối với gói thầu này, hiện Sở GTVT cũng đã trình UBND TP thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên”.

Tất cả sẽ đồng bộ trong năm 2023

Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Giám đốc MAUR, cho biết tuyến metro số 1 vừa có buổi vận hành thử nghiệm đoạn trên cao. Sắp tới, đoàn tàu sẽ được chạy thử nghiệm liên tục.

Để đảm bảo cho công tác thử nghiệm, MAUR và các nhà thầu sẽ tiến hành công tác lắp đặt thiết bị từ ga Bình Thái - Bến Thành, dự kiến hoàn thành trong quý II-2023. Theo đó, đến quý III-2023, tuyến metro số 1 sẽ thử nghiệm trên toàn tuyến, khai thác thử.

Các công tác thử nghiệm cũng sẽ có nhân viên vận hành, nhân viên nhà ga và tư vấn tuyến metro số 1 thực hiện. Các đơn vị sẽ cùng đánh giá các vấn đề an toàn, rủi ro… nếu tất cả được thống nhất sẽ tiến hành nghiệm thu, bàn giao công trình và đưa vào khai thác toàn tuyến trong năm 2023.

Ông Hiển cho biết: Các công việc còn lại của tuyến chỉ còn 6%, chủ yếu còn phần kiến trúc, các đường kết nối. Tất cả cũng đang được chủ đầu tư và các nhà thầu nỗ lực triển khai để đảm bảo công tác vận hành đồng bộ, hiệu quả cho tuyến metro số 1.

Đặc biệt, vấn đề tiếp cận với tuyến metro cũng vô cùng quan trọng. Theo đó, chín cầu bộ hành dọc theo Xa lộ Hà Nội cũng đang được tiến hành các thủ tục để xây dựng trong năm 2023.

Mặt khác, TP cũng đang triển khai dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến metro số 1. Bên cạnh đó, xây dựng thêm các trạm dừng, nhà chờ, đồng bộ hóa giao thông bộ hành với đường sắt đô thị. Từ đó, tạo điều kiện kết nối, đi lại cho người dân được thuận tiện hơn.

“Tuyến metro số 1 được vận hành sẽ thay đổi thói quen đi lại, thay đổi cấu trúc đô thị và hành vi của người dân trong tham gia giao thông. Chúng tôi kỳ vọng những dự án đường sắt đô thị tiếp theo sẽ triển khai nhanh hơn, với các thủ tục pháp lý đầy đủ, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng hoàn thiện…” - ông Hiển kỳ vọng.

Tiến độ các gói thầu

Gói thầu CP1a (xây dựng đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) đã đạt hơn 98%; gói thầu CP1b (xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son) đạt gần 100%; gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt gần 97% và gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy, toa xe, đường ray...) đạt gần 85%.

Cần chú trọng các bãi đậu xe

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết hạng mục cầu bộ hành kết nối với tuyến metro số 1 đang được chủ đầu tư gấp rút triển khai, xây dựng để có thể khai thác đồng bộ với tuyến metro số 1.

Bên cạnh đó, đối với việc tổ chức giao thông dọc tuyến metro số 1, Sở GTVT cũng đang cập nhật các dự án xung quanh để xây dựng kế hoạch kết nối đồng bộ, bao gồm các bãi đỗ xe, nhà chờ xe buýt để hành khách đi lại thuận tiện hơn.

Đặc biệt, Sở GTVT cũng xây dựng hệ thống thẻ kết nối. Hành khách có thể sử dụng thẻ này để thanh toán tất cả phương tiện vận tải hành khách công cộng khác. Song song đó, sở cũng xây dựng bộ định mức, giá vé cho tuyến metro số 1.

TS khoa học Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho biết để tuyến metro số 1 khai thác hiệu quả thì việc hoàn thiện hạ tầng kết nối là vô cùng quan trọng. Trong đó bao gồm việc sớm hoàn thiện các cầu bộ hành băng qua tuyến đường Xa lộ Hà Nội. Các cây cầu này cần liên kết với các khu đô thị, khu dân cư, thương mại… thì mới thực sự thu hút được hành khách.

TP cũng cần sớm hoàn thiện mạng lưới xe buýt, buýt nhanh kết nối với tuyến metro số 1, đây là phương tiện gom hành khách để tuyến metro số 1 khai thác hiệu quả. Mặt khác, TP cần chú trọng tới xây dựng các bãi đậu xe rộng tại các nhà ga metro số 1.•

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023

Ông Nguyễn Quốc Hiển cho biết các nhiệm vụ trọng tâm của dự án tuyến metro số 1 trong năm 2023 gồm:

Hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị và hoàn thiện kiến trúc các nhà ga, cầu bộ hành trên toàn tuyến; tiếp tục tiến hành các bước vận hành thử nghiệm với toàn bộ hệ thống vận hành tự động, bảo vệ và giám sát đoàn tàu (ATP, ATO, ATS) kết hợp với các hệ thống thiết bị tại các nhà ga.

MAUR phối hợp với tư vấn đánh giá an toàn hệ thống để tiến hành thử nghiệm, đánh giá tính an toàn của công trình trước khi đưa vào vận hành; tiến hành đào tạo, chuyển giao công nghệ và khai thác thử đoàn tàu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm