Trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, một nội dung đáng chú ý là UBND TP.HCM đã có đề xuất bổ sung quyết định thu thuế bổ sung đối với bất động sản thứ hai trở lên (trừ bất động sản duy nhất).
Mục đích là nhằm thí điểm chính sách về thuế bất động sản làm cơ sở thực tiễn xây dựng chính sách chung về sau; tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn về việc thí điểm đánh thuế tài sản vào thời điểm này, việc thu thuế bất động thứ hai cần phải có nghiên cứu đánh giá cụ thể, đúng đối tượng và đảm bảo sự công bằng.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, cho rằng cần phân loại tài sản BĐS được đánh thuế, bởi không phải ai sở hữu tài sản BĐS thứ hai cũng vì mục đích đầu cơ, nhiều trường hợp phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị cho xã hội.
Ông Quang cho rằng thí điểm đánh thuế bất động sản thứ 2 trở đi tại TP.HCM giai đoạn này không thể đạt được mục tiêu ngăn chặn đầu cơ. Ngược lại, việc thí điểm này sẽ gây tác dụng ngược ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường BĐS của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.
“Để hạn chế đầu cơ thì phải xác định được mức thuế bao nhiêu là hợp lý và chính sách phải được áp dụng trên toàn quốc, không thể chỉ triển khai ở 1 địa phương. Hiện cũng chưa có nghiên cứu nào khẳng định đánh thuế sẽ giảm đầu cơ”- ông Quang nói.
Các ý kiến cho rằng để đánh thuế tài sản cần rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là cần có một thị trường minh bạch thông tin, thống kê rõ ràng về số lượng sở hữu nhà ở của từng cá nhân, có thể số hóa quản lý được tài sản của người dân.
Theo các chuyên gia việc đánh thuế căn nhà thứ 2 chưa hợp lý, nên thu thuế những nhà đất bỏ hoang đầu cơ. Ảnh: QH |
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính kinh tế cũng cho rằng chính sách thuế cần áp dụng đồng bộ, thống nhất cho cả nước. Để đưa ra mức thuế cần có khảo sát nghiên cứu khoa học về các mặt đối với người dân, nền kinh tế.
Ông Thịnh đánh giá đánh thuế tài sản sẽ giảm thiểu tình trạng lãng phí đất đai hiện nay. Cái khó là xác định đúng đối tượng phải đóng thuế, hạn mức đánh thuế cho phù hợp.
“Thuế tài sản với nhà đất cần xây dựng định mức một người dân được ở bao nhiêu diện tích nhà đất. Người sở hữu vượt định mức phải đóng thuế, người sở hữu dưới định mức sẽ không phải đóng thuế tài sản, không nên quy định đánh thuế tài sản với căn nhà thứ hai trở lên.
“Trường hợp người dân có 2-3 căn nhà nhưng diện tích nhỏ, giá trị không lớn cũng phải đóng thuế tài sản trong khi người giàu đứng tên một căn nhà nhưng diện tích vài ngàn mét vuông lại không phải đóng thuế thì bất hợp lý” - ông Thịnh dẫn chứng.
Theo đề xuất của ông Thịnh, nên thu thuế đối với nhà đất không sử dụng, bỏ hoang mới ngăn chặn được đầu cơ, tránh lãng phí tài nguyên đất đai.
Mới đây, trong tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã đưa quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất.