TP.HCM, Hà Nội mở cửa một số hoạt động kinh doanh

Trước giờ kết thúc việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, nhiều địa phương đã đề xuất cho hạ nhóm nguy cơ; cho một số hoạt động kinh doanh được hoạt động trở lại…

TP.HCM sẽ có hướng dẫn nới lỏng từng dịch vụ

Chiều 22-4, phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết theo kết luận của Thủ tướng, TP.HCM từ nhóm nguy cơ cao xuống nhóm có nguy cơ kể từ 0 giờ ngày 23-4.

Do đó, kể từ thời điểm này, TP.HCM sẽ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng, đó là “tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, trừ cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu”. Tuy nhiên, từ ngày 23-4, TP.HCM sẽ có các hướng dẫn để cho phép một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, ông Liêm đề nghị tiếp tục thực hiện 12 việc cần làm ngay để phòng, chống dịch trong thời gian tới. “Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP sẽ có hướng dẫn cụ thể. Mọi người đi ra đường phải đeo khẩu trang, đây là vấn đề cần phải dứt khoát làm” - ông Liêm nói.

Ông Liêm cũng đề nghị các cơ quan liên quan đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân TP trong phòng, chống dịch COVID-19. “Chúng ta đã đạt được những thành quả hết sức quý giá trong thời gian qua và được Thủ tướng Chính phủ đánh giá rất cao. Trên tinh thần đó, các địa phương nghiêm túc thực hiện phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là” - ông Liêm nhấn mạnh.

Theo ông Liêm, để thực hiện tốt mà có khung, Sở Y tế đang thẩm định và sẽ tiếp tục ban hành bộ tiêu chí an toàn trong lĩnh vực công thương, du lịch… để các ngành thực hiện theo nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.

“Mỗi địa phương cũng cần  đánh giá lại toàn bộ hoạt động phòng, chống dịch thời gian qua, trong đó có đánh giá về ký kết các chỉ số rủi ro. Cuối tuần này, các nơi phải có báo cáo đầy đủ gửi về UBND TP để thực hiện trong thời gian tới” - ông Liêm nói.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia chiều 22-4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM thực hiện theo Chỉ thị 15 từ 0 giờ ngày 23-4. Theo đó, trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho thực hiện theo Chỉ thị 15 từ 0 giờ ngày 23-4. Trong quá trình thực hiện, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh thực tế, TP sẽ có điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, sớm tổ chức hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Các hàng quán ở TP.HCM chỉ phục vụ bán mang về trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly xã hội. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hà Nội tiếp tục đề nghị được nới lệnh cách ly

Chiều cùng ngày, báo cáo tại cuộc họp với Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết về cơ bản Hà Nội đã, đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Toàn TP tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, người dân trên địa bàn TP Hà Nội đã cơ bản thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng như hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế và các cơ quan trung ương trong phòng, chống dịch COVID-19. Hệ thống kiểm soát truy vết, khoanh vùng, dập dịch của Hà Nội rất chặt chẽ, có khả năng truy tìm, xác minh nhanh các ca bệnh mới. Các trường hợp cách ly đều được thực hiện nghiêm, đúng chỉ đạo của Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ Y tế…

Trên cơ sở diễn tiến và những kết quả đã đạt được, ngày 22-4, TP đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và ban chỉ đạo trung ương đề xuất Hà Nội chuyển từ nhóm nguy cơ cao xuống nhóm nguy cơ. Giải thích cho đề nghị của thủ đô, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết ngay cả khi được Thủ tướng đồng ý cho chuyển nhóm, Hà Nội vẫn tiếp tục các biện pháp phòng ngừa, giãn cách xã hội như đã thực hiện nghiêm ngặt từ trước ngày 1-4.

Cũng theo ông Chung, nếu Hà Nội tiếp tục trong nhóm nguy cơ cao thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong khôi phục sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân bị ảnh hưởng. “Cách ly xã hội thêm một tuần nữa, TP sẽ rất khó khăn. Người lao động sẽ không thể vào Hà Nội. Nếu có tăng chuyến đường bay với TP.HCM thì một đầu ở nhóm nguy cơ cao, đầu kia thấp hơn... sẽ khó cho công tác quản lý” - ông Chung nói.

Liên quan đến việc học của 2 triệu học sinh thủ đô, ông Chung cho biết TP dự kiến các trường từ bậc THPT đến bậc ĐH đi học trở lại từ ngày 4-5, bậc học thấp hơn và mẫu giáo đi học sau đó một tuần, từ ngày 11-5.

Nhiều địa phương sẵn sàng để trở lại sau cách ly xã hội

• Cần Thơ: Tối 22-4, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh đã ký công văn gửi giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban ngành TP, chủ tịch UBND quận, huyện về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể TP, UBND quận, huyện và nhân dân trên địa bàn TP tiếp tục thực hiện các biện pháp theo quy định tại Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Cụ thể, người dân hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết, đeo khẩu trang khi ra đường, giữ khoảng cách tối thiểu khi giao tiếp… TP cũng tiếp tục dừng các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí công cộng, các hoạt động thể dục thể thao, các địa điểm tham quan, điểm du lịch, các cơ sở dịch vụ làm đẹp… trên địa bàn TP. Các loại hình kinh doanh, dịch vụ khác được tiếp tục hoạt động.

Người đứng đầu các cơ sở kinh doanh chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trường hợp không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch thì phải dừng hoạt động. TP cũng khuyến khích các loại hình mua bán trực tuyến, bán hàng mang đi, giao hàng tận nhà.

• Đồng Nai: Trong khi đó, trong chiều 22-4, UBND tỉnh Đồng Nai đã có thông báo về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp về chống dịch COVID-19. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đề nghị nhân dân và yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố tiếp tục duy trì thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Chỉ thị 09 của UBND tỉnh và các văn bản khác cho đến khi UBND tỉnh có thông báo mới.

• Quảng Nam: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trước mắt, từ ngày 23-4, 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đi làm lại bình thường. Cho phép các trung tâm hành chính công và các bộ phận một cửa được hoạt động trở lại.

Trước đó, theo ghi nhận của PV vào chiều 22-4, mặc dù tỉnh chưa có quyết định cụ thể những dịch vụ sẽ được mở cửa trở lại nhưng nhiều cửa hàng, quán xá ở TP Tam Kỳ đã hoàn tất khâu chuẩn bị để sẵn sàng phục vụ khách trở lại.

• Thanh Hóa: Sau 28 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất cho các hoạt động cơ sở dịch vụ như hàng ăn, cà phê, giải khát, làm đẹp… được hoạt động trở lại bình thường từng bước từ ngày 23-4. Tuy nhiên, các địa phương phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội theo đúng quy định.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16

Sáng 22-4, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thống nhất đề xuất điều chỉnh phân loại dịch theo hướng: Chỉ còn duy nhất Hà Nội là nguy cơ cao, TP.HCM chuyển từ nguy cơ cao xuống nguy cơ, ngang với Bắc Ninh, Hà Giang. Các tỉnh, thành còn lại là nguy cơ thấp.

Ban chỉ đạo quốc gia kiến nghị tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 thêm một tuần, đến hết ngày 30-4 với địa phương nguy cơ cao. Đối với nhóm nguy cơ cao và nhóm nguy cơ, cho phép chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch.

Đối với nhóm nguy cơ thấp, các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho người mua hàng, yêu cầu khách hàng phải thực hiện giãn cách đúng quy định. Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng, chống dịch của cơ sở do mình quản lý.

TRỌNG PHÚ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm