TP.HCM hỗ trợ về cơ chế, kinh phí để báo chí phát triển

Chiều 17-3, Sở TT&TT, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Hội Nhà báo TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí, xuất bản năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Báo chí góp phần giảm nhiệt nhiều điểm nóng

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Văn Minh, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết trong năm qua, hoạt động thông tin của báo chí, xuất bản đi đúng định hướng, hướng dẫn dư luận và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Cụ thể, theo ông Minh, báo chí đã tích cực tuyên truyền gương người tốt việc tốt, gương điển hình trong phong trào thi đua lao động, sản xuất, giữ gìn trật tự an ninh an toàn xã hội... “Nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí, thời gian qua nhiều phong trào thi đua tại TP đã đạt hiệu quả cao như: TP chung sức xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; phong trào Vì biển đảo thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc...” - ông Minh nói.

Theo ông Minh, qua các phong trào trên đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay được giới thiệu và nhân rộng, tạo sự lan tỏa rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực và đời sống xã hội trên địa bàn TP.

Bên cạnh đó, báo chí cũng góp phần đấu tranh chống tiêu cực, lãng phí và tham gia phản bác quan điểm sai trái. Nhiều tin, bài cung cấp thông tin chính thống, giúp ổn định tình hình, không làm phát sinh điểm nóng trong dư luận. Điển hình, trong năm 2019 trên địa bàn TP.HCM xảy ra khá nhiều vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội trong cả nước. Đơn cử là vụ gây rối ở Trạm thu phí BOT quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc; vụ kích động chống đối tại khu đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình; bức xúc của người dân liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), Khu công nghệ cao ở quận 9...

Từ thông tin, phân tích, định hướng của báo chí, người dân, dư luận đã hiểu trúng, đúng cách làm của TP (xây cầu BOT để giải quyết ùn tắc; cách TP giải quyết kiến nghị, bức xúc của người dân quận 2, quận 9…).

Đối với hoạt động xuất bản, ông Minh khẳng định đạt được nhiều chỉ tiêu đã đề ra, liên tục khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Cũng theo ông Minh, báo chí đã từng bước thích ứng với cơ chế thị trường và có bước phát triển mới trong đổi mới công nghệ, nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động tại các cơ quan báo chí, xuất bản.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

Báo chí cần làm đúng tôn chỉ, mục đích

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, đánh giá hoạt động báo chí năm qua đạt được nhiều kết quả thiết thực, trong đó Trung tâm Báo chí TP bước đầu hoạt động hiệu quả. Các cơ quan báo chí đã có sự đổi mới nhanh nhẹn, đồng hành với sự phát triển của TP và nhất là trụ được trong cơ chế thị trường, trụ được trong mối quan hệ giao lưu với độ mở rất cao. Trong lĩnh vực xuất bản cũng có nhiều nỗ lực để tồn tại. “Cơ bản báo chí đã phản ánh được nhiều thông tin phục vụ cho công tác điều hành, lãnh đạo của TP, đặc biệt trong việc thực hiện Quy định 1374 năm 2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình xử lý cán bộ sai phạm thì thông tin từ báo chí cung cấp rất nhiều” - ông Quang chia sẻ.

46 là số trường hợp báo chí được lưu ý, nhắc nhở khi thông tin trong năm 2019 với các lỗi, sai sót như: Không thực hiện đúng theo tôn chỉ, mục đích; chưa tuân thủ định hướng của trung ương và TP; hay sai sót về nghiệp vụ, hạn chế về bản lĩnh chính trị của phóng viên, bao gồm việc sai sót về giật tít, sai phạm về chính tả, lỗi trong dàn trang báo, thông tin một chiều và thiếu cẩn trọng trong việc sử dụng từ ngữ nhạy cảm gây suy diễn cho người đọc... 

Tuy nhiên, ông Trần Lưu Quang cũng nhìn nhận trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hạ tầng báo điện tử còn kém, chưa chủ động được, vẫn phải phụ thuộc doanh nghiệp, nhà cung cấp. “Hiện có quá nhiều tờ báo, nhiều lúc không đồng thuận với sự lãnh đạo, chỉ đạo của TP. Tin, bài trên báo mà không nắm, không rõ được định hướng phát triển của TP là gì. Từ đó, thông tin tới bạn đọc không có tính định hướng” - ông Quang nói.

Theo ông Quang, năm 2020 TP.HCM sẽ tổ chức nhiều sự kiện và thực hiện nhiều chương trình, cũng là năm TP đang đối diện với sự suy thoái kinh tế bởi dịch bệnh COVID-19. Do đó, ông Quang đề nghị báo chí nên làm đúng tôn chỉ, mục đích. Ban Tuyên giáo Thành ủy nên có định hướng cụ thể hằng tháng, hằng quý trong giao ban báo chí. Theo đó, các báo cần có sự nhạy cảm và vững vàng về chính trị. Cùng đó là kiểm tra lại quy chế kiểm tra, giám sát phóng viên, biên tập viên và quy trình xuất bản báo.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy chia sẻ với các cơ quan báo chí khi đang đối mặt với quá nhiều cái khó. Ông khẳng định TP sẽ có sự quan tâm, hỗ trợ cơ chế, cách làm việc, kể cả kinh phí cho báo chí. Nhưng bản thân các cơ quan báo chí cũng phải có sự chuyển biến, nếu qua một thời gian không chuyển biến sẽ có kiểm điểm. Hội Nhà báo TP nên có hoạt động kết nối các cơ quan báo chí để tăng sự gắn bó, chia sẻ và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cũng tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã ký kết chương trình phối hợp công tác truyền thông năm 2020 với các cơ quan báo chí TP và báo chí trung ương đóng trên địa bàn TP.

Kiến nghị giãn thuế với các báo

Tại hội nghị, tổng biên tập các cơ quan báo chí đã đưa ra nhiều kiến nghị và giải pháp cho sự phát triển của lĩnh vực báo chí, xuất bản trong năm 2020. Ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập báo Thanh Niên, kiến nghị các đơn vị tham mưu Thường trực Thành ủy có hướng thực hiện chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và khôi phục nền kinh tế, khôi phục tinh thần và nỗ lực phát triển xã hội.

Theo ông Thông, kinh tế báo chí nói chung những năm qua có những khó khăn nhất định, khi dịch bệnh thì càng khó khăn hơn, do đó báo Thanh Niên đã có công văn gửi Hội Nhà báo Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ cho phép các cơ quan báo chí giãn thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho báo chí qua năm sau. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm