Ngày 16-1, Công an TP.HCM tổ chức buổi gặp mặt báo chí thông báo tình hình kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong năm 2019 và một số công tác trọng tâm năm 2020.
Đến dự có lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các cơ quan báo chí trong và ngoài TP.
Phạm pháp hình sự liên tục kéo giảm
Thượng tá Thái Thanh Xuân, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết: Kết quả phạm pháp hình sự tiếp tục được kiềm chế, kéo giảm. Trong năm 2019, Công an TP ghi nhận xảy ra 4.422 vụ xâm phạm trật tự an toàn xã hội (giảm 351 vụ - 7,35%) và cũng là năm thứ năm liên tiếp kéo giảm phạm pháp hình sự. Lực lượng triệt phá 709 băng, nhóm tội phạm hình sự...
Tai nạn giao thông cũng được kéo giảm cả ba tiêu chí. Công an cũng tổ chức cứu nạn, cứu hộ 123 người.
Lực lượng cũng đã xây dựng, triển khai kế hoạch nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội trước, trong và sau tết.
Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, đặc biệt quan tâm đến vai trò của báo chí trong việc phối hợp giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. “Chúng tôi không thể bao quát hết được mọi mặt của xã hội; luôn phải có sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông gắn kết với chúng tôi trong nhiều lĩnh vực, cùng đồng hành trên con đường thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị cho TP bình yên” - ông Tài nói.
Đại diện lãnh đạo Công an TP.HCM cũng thông tin trong năm 2019 có 397 lượt CSGT không nhận tiền hối lộ của tài xế. “Đây là những chiến sĩ CSGT tốt, cần tuyên truyền trong lực lượng” - ông cho biết.
Thiếu tướng Trần Đức Tài thông tin tại cuộc gặp gỡ báo chí. Ảnh: N.TÂN
Tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo một số báo như Phụ Nữ TP.HCM, Thanh Niên, Pháp Luật TP.HCM… nêu thực tế về phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí.
Theo bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM, hiện quy chế phát ngôn quy về một mối là giám đốc Công an TP.HCM, phóng viên các báo muốn tiếp cận thông tin thì phải chờ thông tin chính thống trên trang web của Công an TP.
Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông đề nghị Công an TP.HCM nên phân công người phát ngôn để có thể chia sẻ, trao đổi thông tin. “Với những thông tin nóng, dân sinh, thu hút sự quan tâm của người dân thì Công an TP nên phân công người phát ngôn, giải đáp ngay” - ông Thông nói.
Tổng biên tập báo Thanh Niên cũng đề nghị cần tạo điều kiện cho các báo tiếp cận các gương điển hình, người tốt, việc tốt trong lực lượng công an để lan tỏa. Công an cũng nên tạo điều kiện cho cơ quan báo chí tiếp cận, viết các bài phóng sự, phóng sự điều tra ở một lĩnh vực không quá nhạy cảm, có tính tuyên truyền cao.
Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước cho biết tình hình thực tế tội phạm hiện nay thường sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội. Nhiều trường hợp hacker xâm nhập các tài khoản mạng xã hội, chiếm đoạt các thông tin quan trọng. Công an TP.HCM cần có biện pháp xử lý kịp thời và liên tục thông tin cho người dân cảnh giác...
Ông Mai Ngọc Phước cũng chung quan điểm về quy chế phát ngôn với các báo, ông đề xuất: “Hiện các thông tin đều phải thông qua giám đốc Công an TP nhưng nên giao một số vấn đề cho trưởng đầu ngành để cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời. Ví dụ như vụ tai nạn giao thông mà phải thông qua giám đốc rồi mới cung cấp thì quá nặng về hành chính, trong khi lãnh đạo thì bận nhiều việc”.
Xử lý nghiêm khắc chiến sĩ vi phạm
Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, khẳng định sẽ xem xét, nhìn lại để có cách thức cung cấp thông tin kịp thời hơn và phù hợp với các quy định của pháp luật.
Đại diện lãnh đạo Công an TP.HCM cũng khẳng định về việc xử lý các cán bộ vi phạm đạo đức trong công tác với quan điểm xử lý nghiêm, sai đến đâu xử lý đến đó.
Về trường hợp một công an phường 17, quận Bình Thạnh mà báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh, Thiếu tướng Trần Đức Tài cho hay: Sau khi xảy ra sự việc và báo phản ánh, công an vi phạm bị đình chỉ công tác ngay, nhanh chóng tước danh hiệu công an nhân dân và khởi tố, bắt tạm giam. “Được nhân dân nuôi dưỡng, được Nhà nước đào tạo, được trang bị kiến thức về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà còn sai phạm thì còn tệ hơn những người khác. Quan điểm của thường vụ ban giám đốc và quan điểm trong lực lượng công an là xử lý thật nghiêm” - Phó Giám đốc Công an TP.HCM chia sẻ.
Ông Tài cho biết thêm: “Năm vừa qua, không phải chỉ trường hợp ở phường 17 không mà chúng tôi đã xử lý rất nhiều trường hợp. Có những trường hợp đã tước quân tịch và xử lý hình sự. Đây không phải là trường hợp cá biệt, một số trường hợp ở các đơn vị khác cũng được xử lý nghiêm. Còn những trường hợp nào do sơ suất thì chúng tôi vẫn sử dụng tình cảm, tình đồng chí, đồng đội để giáo dục, kéo đồng chí mình về chứ không muốn đồng chí mình sai phạm”.