TP.HCM: Huyện Bình Chánh mạnh tay xử lý cơ sở gây ô nhiễm

(PLO)- Huyện Bình Chánh cho biết sẽ tiếp tục giám sát và quản lý chặt chẽ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bên ngoài khu công nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-9, Huyện ủy Bình Chánh (TP.HCM) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT).

Dịp này, Huyện ủy Bình Chánh cũng tổ chức giao ban chuyên đề về giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 06/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025.

Xã Qui Đức, huyện Bình Chánh ra quân vệ sinh môi trường. Ảnh: CH

Xã Qui Đức, huyện Bình Chánh ra quân vệ sinh môi trường. Ảnh: CH

Nhiều giải pháp để khắc phục ô nhiễm môi trường

Theo báo cáo của Phòng TN&MT huyện Bình Chánh, trên địa bàn huyện hiện có 42 dự án khu dân cư. Trong đó, 39/42 dự án đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đi vào hoạt động ổn định, đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung và thu gom, xử lý cục bộ. Trung bình lượng nước thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày đêm là 93.737 m3. Hiện huyện có khoảng 769 cơ sở vừa và nhỏ có phát sinh chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất.

Tại hội nghị, ông Huỳnh Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, đánh giá qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 và Chương trình hành động 34, hai năm thực hiện Chỉ thị 06 của Huyện ủy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể, hiện trên địa bàn TP nói chung và huyện Bình Chánh nói riêng chưa đảm bảo chỉ tiêu xử lý nước thải đô thị. Trên địa bàn các xã - thị trấn, các hộ dân chủ yếu thoát nước thải sinh hoạt trực tiếp ra kênh rạch hoặc qua bể tự hoại, vẫn còn tình trạng chủ nguồn thải nước thải công nghiệp với quy mô nhỏ chưa đầu tư hệ thống xử lý đạt quy chuẩn dù đã bị kiểm tra, xử lý.

Ngoài ra, cảnh quan môi trường tại một số khu vực, một số tuyến đường chưa tốt, còn tình trạng tập kết chất thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp ven các tuyến đường, các khu đất trống, bỏ rác xuống sông, kênh rạch gây tắc nghẽn dòng chảy.

“Công tác kiểm tra liên ngành, xử lý các cơ sở sản xuất xả nước thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường mặc dù được thực hiện thường xuyên nhưng chưa giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm. Điều này là do công tác xử lý, cưỡng chế thực hiện các giải pháp khắc phục đối với các cơ sở gây ô nhiễm còn nhiều vướng mắc do bất cập trong các quy định pháp luật” - ông Cường thông tin.

Hiện huyện có khoảng 769 cơ sở vừa và nhỏ có phát sinh chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất.

Tập trung kiểm tra các cơ sở tái chế phế liệu

Nhằm khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, kiểm soát các nguồn ô nhiễm tác động đến BĐKH, Phòng TN&MT huyện Bình Chánh cho biết huyện sẽ tiếp tục giám sát và quản lý chặt chẽ tình hình BVMT của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bên ngoài khu công nghiệp. Trong đó có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn hiện hành với các ngành nghề như chế biến thực phẩm, tái chế phế liệu, giặt sấy quần áo, nhuộm vải, xi mạ, cơ sở y tế

Ông Phùng Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, cho biết thời gian tới UBND xã sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Cụ thể, tập trung kiểm tra, xử lý 62/62 cơ sở tái chế phế liệu và 40/40 cơ sở giặt, nhuộm. Bên cạnh đó, xã sẽ tiếp tục thực hiện chương trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn xã theo kế hoạch.

Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, đánh giá những biện pháp triển khai công tác chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT phù hợp với tình hình thực tế của huyện và đã đạt được một số kết quả nhất định. Thời gian tới, ông Nam đề nghị ngành giáo dục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường để học sinh hình thành thói quen xây dựng ý thức và trách nhiệm về BĐKH và BVMT.

Ngoài ra, ông Nam đề nghị UBND huyện tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Triển khai kế hoạch thực hiện đề án chỉnh trang đô thị nhằm giải quyết tình trạng thoát nước, cải thiện môi trường. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài nguyên và BVMT, định vị các vị trí thường xuyên ngập, các điểm tập kết rác thải không đúng nơi quy định, lắp đặt hệ thống camera để theo dõi và xử lý các trường hợp vi phạm.

Trồng 50.000 cây xanh dọc các tuyến kênh

Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, huyện Bình Chánh đã triển khai xây dựng các dự án đầu tư xây dựng bờ kè và nạo vét các tuyến sông, kênh rạch.

Thời gian qua, huyện đã trồng hơn 50.000 cây xanh dọc các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn huyện nhằm tránh nguy cơ sạt lở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm