Đồng thời đây cũng là đầu tiên TP.HCM thực hiện dự án chống ngập theo hình thức hợp tác công tư (PPP,) thông qua hợp đồng BT, thanh toán bằng quỹ đất và bằng tiền.
Sáng 26-6, lễ khởi công dự án chống ngập triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 cho TP.HCM được tổ chức tại khu vực cảng Lotus (quận 7, TP.HCM).
Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, được thực hiện bằng hình thức PPP, thông qua hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) giữa UBND TP.HCM và nhà đầu tư.
Nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) và Công ty TNHH BT Trung Nam 1547 do Trung Nam Group lập ra (1547 là từ viết tắt của Quy hoạch thủy lợi phục vụ chống ngập cho TP.HCM).
Một chuyên gia chống ngập cho TP.HCM cho biết dự án trên như một dạng biến thể của Quy hoạch thủy lợi thủy chống ngập cho TP.HCM (do Bộ NN&PTNT lập nhưng chưa triển khai thi công các dự án). Và đây cũng là dự án chống ngập triều có mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay ở TP.HCM được khởi công thực hiện.
Dự án gồm các hạng mục chính như: xây dựng sáu cống kiểm soát triều tại Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định cùng với tuyến đê bao ven sông Sài Gòn sẽ từ Vàm Thuật đến sông Kinh với chiều dài hơn 7,8 km…
Để vận hành công trình này, nhà đầu tư sẽ xây dựng nhà quản lý trung tâm và hệ thống theo dõi kiểm soát mực nước triều tự động tại khu vực phía nam TP.HCM.
Mục tiêu của dự án chống ngập triều nhằm xóa ngập cho vùng trung tâm TP.HCM.
Theo Trung tâm Chống ngập TP.HCM, dự án khi hoàn thành sẽ chống ngập cho khu vực rộng lưu vực trung tâm TP và một phần của năm lưu vực ngoại vi rộng 550 km2 thuộc lưu vực trung tâm, bắc, tây, một phần đông bắc, đông nam của TP.HCM với khoảng 6,5 triệu dân.
Cụ thể, các tuyến đường bị ngập do triều nặng hiện nay như: đường Lương Định Của (quận 2), Huỳnh Tấn Phát và một số tuyến đường ngập nhẹ trên đường Nguyễn Văn Hưởng, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn… sẽ được thoát ngập khi thực hiện dự án trên.