TP.HCM kiến nghị có quy định về kiểm soát quyền lực, luật Vận động hành lang

(PLO)- TP.HCM kiến nghị Bộ Chính trị sớm ban hành quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công công tác xây dựng pháp luật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 6-11, Đoàn Cán bộ khảo sát thực tế nhóm 2 – Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong 40 năm qua ở Việt Nam đã có buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng đoàn khảo sát cùng Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì buổi làm việc.

tong-ket-40-nam-kinh-te-XHCN-TPHCM (2).jpg
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: THANH THUỲ

Kinh tế TP dần phát huy năng lực nội sinh

Các đại biểu đã tập trung thảo luận những kinh nghiệm của TP.HCM từ thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bổ sung, hoàn thiện lý luận của Đảng về đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng thời trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng sắp tới.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, địa phương đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Kinh tế TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò năng lực nội sinh, vốn đầu tư trong nước chiếm tỷ trọng cao, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng.

Các thành phần kinh tế phát triển cả về số lượng và chất lượng, quy mô ngày càng tăng, đặc biệt là kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

tong-ket-40-nam-kinh-te-XHCN-TPHCM (4).jpg
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan báo cáo tại hội nghị. Ảnh: THANH THUỲ

Đến năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM theo giá hiện hành gấp 2,9 lần so với năm 2010. Trong đó kinh tế Nhà nước gấp 1,6 lần, kinh tế ngoài Nhà nước gấp 3,1 lần, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gấp 4,3 lần.

TP.HCM cũng có các mô hình khu công nghiệp công nghệ cao, chuỗi công viên phần mềm, khu nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng những thành tựu của cách mạng lần thứ tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong thời gian tới, TP.HCM tập trung phát triển các trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

TP hướng đến trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, bao gồm trung tâm tài chính quốc tế, thương mại, logistics, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, phát triển liên kết vùng với nhiều tỉnh, thành...

Để đạt được các mục tiêu trên, TP.HCM tập trung triển khai quyết liệt Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội.

TP.HCM xác định đây là cơ hội để tháo gỡ các điểm nghẽn, nhanh chóng tạo bước chuyển đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy địa phương phát triển nhanh, bền vững.

TPHCM tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện các giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy nhanh việc giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp.

TP.HCM tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại...

Cần quy định kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật

Từ thực tiễn địa phương, TP.HCM kiến nghị Bộ Chính trị sớm ban hành quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Cùng đó, TP kiến nghị Quốc hội ban hành Luật vận động hành lang ngay sau khi có quy định về kiểm soát quyền lực để tạo cơ sở pháp lý bắt buộc các "nhóm lợi ích" và các cơ quan, nhà hoạch định chính sách, pháp luật phải minh bạch hóa. Từ đó có trách nhiệm giải trình về mối quan hệ của họ nhằm các cơ quan Nhà nước khác, các tổ chức xã hội, cơ quan báo chí và người dân có thể dễ dàng giám sát.

Để tạo niềm tin cho doanh nghiệp về tính minh bạch, công minh trong chính sách và trong việc thực thi pháp luật, chính quyền TP.HCM kiến nghị, phải quy trách nhiệm đối với những cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mà nội dung mập mờ, có thể hiểu khác nhau khi áp dụng.

tong-ket-40-nam-kinh-te-XHCN-TPHCM.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: THANH THUỲ

Phát biểu tại buổi khảo sát, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, TP.HCM nhận thức sâu sắc chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Từ đó đã tập trung chỉ đạo và phát triển, nhiều mô hình mới xuất hiện theo tinh thần vận dụng sáng tạo.

Cũng từ vị trí, vai trò, sứ mệnh đã thúc giục TP.HCM hành động, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, thực tiễn cũng đã chỉ ra còn nhiều đề cần phân tích, đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn.

“Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vai trò của nhà nước rất quan trọng. Thực tế chúng ta phải đối mặt là pháp luật hoàn thiện về mặt hình thức còn nội dung còn có vấn đề, chính sách có độ trễ và chưa theo kịp với trình độ phát triển năng động của TP, nhất là giai đoạn mở cửa hội nhập sâu rộng”- Bí thư Thành ủy TP.HCM cho hay.

tong-ket-40-nam-kinh-te-XHCN-TPHCM (3).jpg
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhận định kết luận buổi khảo sát. Ảnh: THANH THUỲ

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhận định, dựa vào thực tiễn địa phương, TP.HCM đã đề xuất các quan điểm mới và các định hướng giải pháp nhằm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam trong bối cảnh mới.

Để tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của TP.HCM trong công cuộc đổi mới ở giai đoạn tiếp theo, Bộ Chính trị và Quốc hội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương này. Mới đây nhất là Nghị quyết 98.

Các ý kiến tại buổi khảo sát cũng đã phân tích thực trạng thực hiện chủ trương của Đảng về nội dung này, nhất là những thành tựu, hạn chế từ góc độ của địa phương...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm