“Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” là chủ đề mà Ban An toàn giao thông TP.HCM nêu trong Kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2023.
Theo đó, trong năm 2023, ban An toàn giao thông TP.HCM sẽ phấn đấu kéo giảm từ 5-10% số vụ tai nạn giao thông trên cả 3 mặt, về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2022. Đồng thời phấn đấu không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, tập trung khắc phục, kéo giảm ùn tắc giao thông.
Tai nạn giao thông giữa xe tải và xe máy vào chiều 21-4 khiến một nữ sinh tử vong tại TP Thủ Đức. Ảnh: TS |
Để làm được điều đó, ban An toàn giao thông TP.HCM đã đề ra tám nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện trong năm 2023.
1. Tập trung quán triệt, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn TPHCM.
2. Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn.
Lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào các quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn, các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải và các dự án hạ tầng kỹ thuật.
Đồng thời quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng mới hoặc chỉnh trang các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu và vận tải công cộng.
3. Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông theo đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 – 2030. Trong đó, ưu tiên xây dựng các tuyến liên kết vùng, tuyến tránh đô thị, các điểm kết nối giao thông vận tải và đẩy mạnh xây dựng các nút giao khác mức.
Ngoài ra, sẽ cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông thủy hiện có, khai thông những tuyến đường thủy mới để phát triển các hình thức trung chuyển hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh lân cận. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý.
Đồng thời bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, các điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt và xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải,.
4. Nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải. Các đơn vị liên quan phải rà soát, xây dựng, tham gia góp ý để hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường.
5. Tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
6. Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
7. Nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành hoạt động giao thông vận tải, đẩy mạnh công tác xử phạt “nguội” qua hình ảnh theo hướng tự động nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông.
Xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung cơ sở dữ liệu giữa ngành giao thông vận tải, công an, y tế, bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật.
8. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông và tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.