TP.HCM: Nhu cầu việc làm lĩnh vực thương mại, dịch vụ...tăng cao cuối năm

(PLO)-  TP:HCM đang cần khoảng 23.000 - 25.000 chỗ làm việc, tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chế biến công nghiệp trong những tháng cuối 2022 và đầu 2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 8-12, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM thông tin về tình hình lao động việc làm trong những tháng cuối năm 2022.

Theo ông Lâm, trong những tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu, số lượng đơn đặt hàng bắt đầu giảm từ quý 4-2022 và dự kiến kéo dài đến quý 1-2023.

“Tính đến tháng 11 năm 2022, có 28 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế với số lao động bị mất việc là 2.859 người trên tổng số 15.317 người lao động làm việc tại các đơn vị.” – ông Lâm cho hay.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: TÚ NGÂN
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: TÚ NGÂN

Qua khảo sát tình hình tại các doanh nghiệp, có 328 doanh nghiệp với 53.638 người lao động ảnh hưởng do việc sụt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu việc làm, giảm giờ làm việc ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của công nhân lao động. Các doanh nghiệp cố gắng duy trì lực lượng lao động để tránh việc phải cho nhiều lao động thôi việc qua việc không bố trí làm thêm giờ, thực hiện giảm giờ làm, nghỉ một ngày hoặc một số ngày trong tuần, sắp xếp cho người lao động nghỉ phép năm...

Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu, thì vẫn có doanh nghiệp trong khu vực thương mại dịch vụ, chế biến công nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động cho các hoạt động sản xuất kinh doanh dịp cuối năm nay và đầu năm 2023.

Trong tháng 12-2022, nhu cầu nhân lực cần khoảng 23.000 - 25.000 chỗ làm việc, tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chế biến công nghiệp. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho thị trường lao động tại TP.HCM những tháng cuối năm.

Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP cho biết, giải pháp trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn TP và kịp thời phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan đến quan hệ lao động; theo dõi, giám sát tình hình trả lương, trả thưởng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng cần phải nhanh chóng tiếp cận doanh nghiệp cho nhiều lao động nghỉ việc để nắm nguyện vọng, nhu cầu tìm việc của người lao động cũng như hướng dẫn người lao động có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện các hồ sơ. Đồng thời nắm bắt tình hình lao động, huy động các nguồn lực chăm lo cho người lao động trong Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; hỗ trợ kịp thời cho người lao động tại các doanh nghiệp gặp khó khăn, không có khả năng chi trả lương cho người lao động.

Liên quan đến vấn đề thưởng Tết nguyên đán 2023, ông Lâm cho biết tính đến đến thời điểm hiện nay, sở đã nhận được Báo cáo tình hình lao động, tiền lương năm 2022 và kế hoạch thưởng Tết năm 2023 của 160 doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp thông báo giảm lao động tăng hai đơn vị so với năm 2021 (26 doanh nghiệp), thấp hơn so với giai đoạn năm 2019 - 2020 (năm 2019 có 74 doanh nghiệp, năm 2020 có 86 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc).

Trong tháng 11-2022, có hai doanh nghiệp có thông báo phương án lao động cho nhiều người thôi việc gồm Công ty TNHH Việt Nam Samho (có 1.425 lao động mất việc/8.733 lao động), Công ty TNHH Tỷ Hùng (có 1.185 lao động mất việc/1.822 lao động).

Tổng số lao động bị mất việc tại hai doanh nghiệp này chiếm tỷ lệ 91,29% tổng số lao động bị mất việc (của 28 doanh nghiệp). Nguyên nhân cho nhiều lao động nghỉ việc do ảnh hưởng từ biến động của thế giới, đặc biệt là tình hình kinh tế, chính trị bất ổn ở một số nước Châu Âu, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực gia công da giày, may mặc, nội thất xuất khẩu gặp khó khăn, đơn hàng bị thiếu hụt buộc phải sắp xếp, tổ chức lại, giảm lao động..

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm