TP.HCM nói về đề xuất đấu giá đất dọc vành đai 3 giá 15 triệu đồng/m2

(PLO)- Đơn giá các khu đất dọc vành đai 3 tối thiểu dự kiến 15 triệu đồng/mchưa bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước cho rằng nếu đấu giá đất hai bên đường Vành đai 3 TP.HCM vào giai đoạn thi công thì giá sẽ thấp và khó tổ chức thành công.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng TP.HCM sẽ tổ chức bán đấu giá các khu đất dọc theo dự án với giá dự kiến 15 triệu đồng/m2 trong khi giá đền bù đất dân cư trong công tác giải phóng mặt bằng là 26 triệu đồng/m2.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM và Bình Dương rà soát lại khái toán chi phí giải phóng mặt bằng để đảm bảo chính xác và phù hợp với thực tế.

Tiềm năng, lợi thế khu đất này sẽ còn tăng lên

Thông tin chi tiết về vấn đề trên, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông) cho biết, đối với đơn giá đất thương mại dự kiến đấu giá là 15 triệu đồng/m2.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 3 TP.HCM, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với các địa phương nơi dự án đi qua khảo sát, tính toán sơ bộ đơn giá các khu đất dọc theo dự án tối thiểu dự kiến 15 triệu đồng/m2. Đơn giá này chưa bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội.

Đơn giá các khu đất dọc vành đai 3 tối thiểu dự kiến 15 triệu đồng/m2- chưa bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM cung cấp.Đơn giá các khu đất dọc vành đai 3 tối thiểu dự kiến 15 triệu đồng/m2- chưa bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM cung cấp.

Theo đó, sau khi dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, quá trình triển khai dự án cùng với đầu tư các tuyến đường kết nối với các khu đất dọc theo dự án vành đai 3 - lợi thế tiềm năng sẽ tăng lên. Theo đó, quá trình đấu giá giá trị các khu đất này sẽ tăng lên.

Ông Phúc cũng cho biết đối với giá bồi thường đất dân cư trong công tác GPMB là 26 triệu đồng/m2. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, sơ bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được lập trên cơ sở khối lượng GPMB dự kiến và các đơn giá đất, tài sản trên đất, mức hỗ trợ áp dụng tại thời điểm năm 2022.

Kinh phí này đã bao gồm cả kinh phí dự kiến để xây dựng hạ tầng khu tái định cư, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giảm trừ các nút giao chưa xây dựng trong giai đoạn 1 và đã tính bao gồm dự phòng phí cho công tác này là 10%.

Bước tiếp theo, UBND TP sẽ thực hiện công tác đo vẽ, kiểm kê, thẩm định giá, xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án theo đúng quy định.

Đồng thời, đảm bảo tính đúng, tính đủ và đã tính đến các chính sách về đào tạo nghề, sinh kế cho người dân, đảm bảo người dân tái định cư có nơi ở mới tốt hơn. Từ đó, tạo sự ủng hộ và đồng thuận của người dân trong công tác bồi thường, GPMB.

Ông Phúc cho biết phương án huy động nguồn vốn và cân đối vốn về nguồn vốn ngân sách địa phương, HĐND các địa phương đã rà soát nguồn vốn trung hạn của các địa phương, tập trung nguồn vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách (trong đó có đường vành đai 3).

Vốn ngân sách địa phương tham gia dự án trong năm 2023-2024 chủ yếu tập trung đối với TP.HCM là 13.326 tỉ đồng và Bình Dương 5.350 tỉ đồng. Hai địa phương này có điều kiện thu ngân sách nhà nước lớn, dự kiến huy động được nguồn thu khi phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.

Trong trường hợp cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ về việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để đảm bảo nguồn vốn cho dự án. Như vậy, sẽ hoàn toàn đảm bảo nguồn vốn cho dự án theo tiến độ đề ra.

Đầu tư công, nhà nước tổ chức thu phí

Kiểm toán Nhà nước cho rằng về hình thức đầu tư, Chính phủ sử dụng 100% vốn đầu tư công.

Vì theo tính toán, nếu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, số tiền nhà đầu tư bỏ ra lớn (13.806 tỉ đồng) và thời gian thu hồi vốn dài, mất 28 năm nên được đánh giá không khả thi.

Tuy nhiên, nếu chiếu theo dự án đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội, suất đầu tư cao hơn 1,2 lần và lưu lượng phương tiện dự kiến chỉ bằng 0,8 lưu lượng vành đai 3, nhưng phương án tài chính của dự án này vẫn đảm bảo khả thi với thời gian thu phí chỉ 21 năm.

Sơ đồ tuyến vành đai 3 TP.HCM. Đồ hoạ: HỒ TRANG.Sơ đồ tuyến vành đai 3 TP.HCM. Đồ hoạ: HỒ TRANG.

Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM rà soát lại phương án tài chính đảm bảo lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp.

Ông Lương Minh Phúc cho biết hình thức đầu tư của dự án vành đai 3, quá trình nghiên cứu dự án đã xem xét các phương thức đầu tư PPP (Hợp đồng BOT) với nhiều kịch bản khác nhau.

Trong đó, kịch bản khả thi nhất là đầu tư PPP phần đường cao tốc (không bao gồm GPMB và đường song hành, hỗ trợ nhà nước tối đa 50% đối với phần vốn đầu tư PPP) thì thời gian hoàn vốn là 29 năm.

Theo kinh nghiệm của Bộ GTVT khi thực hiện các dự án theo phương thức PPP, thời gian hoàn vốn kéo dài 29 năm khó hấp dẫn nhà đầu tư.

Với kịch bản này, vốn do nhà đầu tư huy động là 13.545 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ rất nhỏ (khoảng 18%) tổng mức đầu tư dự án và vốn nhà nước đóng góp là 61.833 tỉ đồng, chiếm khoảng 82% tổng mức đầu tư dự án là không phù hợp Luật PPP, tính khả thi rất thấp.

Dự án vành đai 3 là đường vành đai đô thị, đi qua các khu vực đô thị, khu dân cư và định hướng trong tương lai phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mới, các trung tâm logictics, hệ thống cảng biển, ICD...

"Việc đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công, nhà nước tổ chức thu phí không có tính chất hoàn vốn đầu tư dự án như đầu tư theo hình thức PPP (không tính lợi nhuận cho nhà đầu tư, lãi vay)...

Do đó sẽ chủ động về thời gian, giá vé phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của doanh nghiệp, người dân khi tham gia giao thông.

Qua đó tạo thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư đối với phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, trung tâm logictics..." - ông Phúc nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm