Theo nghị quyết của HĐND TP.HCM, dự toán kế hoạch đầu tư công năm 2019 là gần 34.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9-2019 TP mới giải ngân được hơn 12.200 tỉ đồng (36,18%).
Thông tin được công bố tại hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP với các thường trực quận/huyện ủy và thường trực UBND các quận/huyện ngày 1-10.
Chín tháng, chỉ giải ngân hơn 18%
Theo báo cáo của UBND TP, hiện các nguồn vốn từ ngân sách trung ương bổ sung và vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương để thực hiện các dự án: BV Nhi đồng, Cơ sở 2 BV Ung bướu, dự án bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại), dự án xây dựng tuyến metro số 1… được giải ngân hết hoặc có tiến độ giải ngân tốt.
Tuy nhiên, dự án đầu tư xây dựng tuyến metro số 2 và dự án giao thông đô thị bền vững cho tuyến metro số 2 hiện chưa được giải ngân vì đang điều chỉnh tổng mức đầu tư. Trong thời gian đó, TP đã phải kiến nghị Bộ KH&ĐT giảm kế hoạch vốn bố trí cho dự án này 56 tỉ đồng để bố trí cho các dự án khác.
Riêng các dự án có nguồn vốn từ ngân sách TP hơn 31.000 tỉ đồng thì đến nay mới chỉ giải ngân hơn 10.300 tỉ đồng (chiếm 33,44%). Trong đó, khối quận/huyện được giao hơn 15.000 tỉ đồng thì nay mới chỉ giải ngân được gần 6.000 tỉ đồng. Theo báo cáo của UBND TP, chỉ có 18 quận/huyện đạt tỉ lệ giải ngân trên 50%, 10 đơn vị giải ngân dưới 50%. Trong đó, ba quận “đội sổ” gồm quận 1 và quận 10 (18,6%), quận Phú Nhuận (21,2%)…
Giải trình về việc này, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, cho biết: Quận có 13 dự án với nguồn vốn được ghi trong năm 2019 là 83 tỉ đồng nhưng đến nay mới chỉ giải ngân được 17 tỉ đồng. “Quận xin nhận thiếu sót và cam kết đến cuối năm 2019 sẽ đạt tỉ lệ giải ngân 95%” - bà Nguyệt nói.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị. Ảnh: VH
Sẽ điều chuyển vốn sang dự án khác nếu giải ngân chậm
Về việc chậm giải ngân các dự án trọng điểm, đặc biệt là tuyến metro số 1, số 2, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao Sở KH&ĐT rà soát và kiến nghị trung ương tháo gỡ để giải quyết vướng mắc liên quan. Ông Phong nhấn mạnh đến cuối năm 2019 TP phải giải ngân trên 90%.
490 dự án mà các quận/huyện đang đề xuất TP duyệt giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đến thời điểm này, TP đã duyệt 259 dự án, chiếm 52,8%. |
Liên quan đến các quận/huyện giải ngân chậm dưới 50%, chủ tịch UBND TP cũng giao Sở KH&ĐT tham mưu TP kiểm điểm. Đồng thời không xem xét thi đua và không trả thu nhập tăng thêm với người đứng đầu các đơn vị này.
Ông Phong cho rằng có những dự án đang khát vốn, trong khi đó có những dự án lại đang dư vốn. Tồn tại này cần phải khắc phục trong năm 2020. “Các quận/huyện có dự án không giải ngân theo chỉ đạo thì sẽ điều chuyển kế hoạch vốn hoặc giao cho các đơn vị khác. TP cũng sẽ không ghi vốn cho đầu tư công năm 2020 cho các đơn vị giải ngân chậm dưới 50%” - ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TP cũng cho hay tới đây, để tránh tình trạng nêu trên, TP sẽ giao vốn theo dự án chứ không giao khoán thành một cục như hiện nay. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, TP cũng đã đề ra hàng loạt giải pháp. Cụ thể như thường xuyên rà soát tiến độ, phương án điều chỉnh vốn giữa các dự án, đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, tăng cường phân cấp trong đầu tư công…
Đề xuất rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư dự án Tại hội nghị, khi bàn về tình hình, kết quả thực hiện công tác xác định hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án, cho thấy tiến độ xác định hệ số điều chỉnh giá đất ở các quận/huyện đang có sự chênh lệch. Theo quy trình bình thường, đường đi của một hồ sơ duyệt hệ số điều chỉnh giá đất gồm sáu bước và tổng thời gian xử lý hồ sơ của một dự án hết 203 ngày. Tuy nhiên, thực tế có một số quận/huyện có thời gian thực hiện nhanh hơn quy trình này, trong khi có nhiều quận thời gian xử lý hồ sơ kéo dài lên nhiều lần. Lý giải, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết để xác định hệ số điều chỉnh giá đất, sở đã tham mưu TP chỉ duyệt giá một lần với thời gian 180 ngày. Sau đó rút ngắn xuống còn tối đa 90 ngày. Về việc một số quận khác có thời gian thực hiện hồ sơ dài là dự án chưa được ghi vốn đã thực hiện chứng thư thẩm định giá. Đến khi có giá rồi thì chứng thư đã hết hạn, buộc phải quay lại từ đầu khiến thời gian xử lý kéo dài. Ông Thắng đề xuất: Để rút ngắn thời gian xác định hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì TP cần phân cấp cho các quận/huyện được duyệt các dự án nhóm C sau khi đã được hội đồng thẩm định TP thẩm tra các bước đầy đủ. Ông cũng cho hay hiện việc xác định giá đất còn nhiều bất cập và TP đang trình Chính phủ xin tháo gỡ. Về việc này, ông Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng TP đã xin trung ương thí điểm cơ chế rút ngắn thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng xuống còn 90 ngày. Thủ tướng cũng đã ghi nhận các đề xuất của TP.HCM nhưng đến giờ vẫn chưa có phản hồi chính thức. |