TP.HCM sẽ rà soát những nơi bố trí cán bộ 'có quan hệ gia đình'

(PLO)- Chủ tịch TP.HCM giao các cơ quan, đơn vị rà soát những "người có quan hệ gia đình" đang đảm nhiệm các chức danh không được bố trí theo quy định, kể cả cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 3-11, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước và các Hội có tính chất đặc thù về việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

ra-soat-can-bo-gia-dinh.JPG
TP.HCM rà soát cán bộ "có quan hệ gia đình" để sắp xếp, bố trí. Ảnh minh họa: BẢO PHƯƠNG

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM giao người đứng đầu các cơ quan nêu trên triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc và đầy đủ nội dung tại Quy định 114 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ đến toàn thể đội ngũ cán bộ.

Đồng thời, cụ thể hóa các nội dung quy định phù hợp từng cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý.

Chủ tịch UBND TP cũng giao các cơ quan, đơn vị rà soát những "người có quan hệ gia đình" đang đảm nhiệm các chức danh không được bố trí theo quy định, kể cả cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Từ đó, bố trí, sắp xếp đảm bảo đúng quy định nếu có và kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí công tác cho phù hợp.

"Nghiêm cấm việc tranh thủ, lợi dụng việc rà soát để có những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ" - văn bản nêu rõ và yêu cầu nội dung báo cáo kết quả rà soát gửi về Sở Nội vụ trước ngày 20-11.

Sở Nội vụ tổng hợp, gửi Ban Tổ chức Thành ủy trước ngày 30-11 để tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.

Chủ tịch UBND TP cũng có chỉ đạo đối với người đứng đầu khi có thông báo nghỉ hưu, nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc đang xem xét kỷ luật, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo.

Cụ thể, báo cáo, xin ý kiến của UBND TP xem xét, quyết định trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ đối với các trường hợp người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc khối chính quyền.

Sở Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND TP có ý kiến xem xét, quyết định trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ đối với những đối tượng nêu trên.

Theo quy định 114, người có quan hệ gia đình là vợ (chồng); bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em ruột; anh, chị, em ruột của vợ (chồng) theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 114 về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Quy định có nhiều điểm mới và khó so với Quy định 205/2019 trước đó về cùng nội dung, đặt ra nhiều thách thức trong cấp ủy, tổ chức Đảng cũng như trong việc bổ nhiệm cán bộ.

Đáng chú ý, Quy định 114 đã quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra còn có người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Người đứng đầu cấp ủy Đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan thuộc 13 ngành gồm nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, KH&ĐT, TN&MT, quân đội, công an, tòa án, VKS ở trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương, cũng sẽ không được bố trí đảm nhiệm các chức danh liên quan nếu có mối quan hệ gia đình.

.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm