Chiều 24-4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I và phương hướng quý II-2020.
Quý II sẽ “ngấm” tác động của dịch
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng dù đạt được những kết quả tích cực trong công tác chống dịch COVID-19 nhưng TP cũng đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong vấn đề về phát triển kinh tế. Chỉ số tăng trưởng trong quý I-2020 chưa phản ánh hết khó khăn của bức tranh kinh tế của TP.
Theo ông Phong, nửa đầu quý I, tác động của dịch vào nền kinh tế chưa nhiều nhưng từ đầu tháng 4, khi các đơn hàng xuất khẩu bị trì hoãn thì nhu cầu từ các thị trường lớn của TP đã bắt đầu suy giảm thấy rõ. Dự báo tác động mạnh nhất của dịch bệnh đối với kinh tế TP sẽ bắt đầu từ quý II.
Để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định và không bị đứt gãy trong điều kiện chuyển sang trạng thái mới, vừa hoạt động bình thường vừa sống chung với dịch, ông Phong cho biết TP đã chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách để vực dậy nền kinh tế. Theo đó, khi tình hình kiểm soát dịch bệnh của TP có dấu hiệu tốt hơn, giãn cách xã hội sẽ được nới lỏng từng bước nhưng phải kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường dịch bệnh.
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu triển khai các biện pháp để chống dịch, không được lơi lỏng và kiên định với sáu nguyên tắc chống dịch và phương châm năm tại chỗ với tinh thần chống dịch cao nhất. Đồng thời, ông Phong yêu cầu tổ chức hậu kiểm việc cam kết tuân thủ phòng, chống dịch và chỉ số đánh giá rủi ro tại doanh nghiệp (DN). Ông cũng yêu cầu khẩn trương triển khai bảy bộ chỉ số an toàn gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Hiện còn hai bộ chỉ số chưa ban hành. “Việc nới lỏng giãn cách xã hội là phải trên cơ sở các ngành, các lĩnh vực xây dựng được bộ chỉ số an toàn” - ông Phong nói.
Bốn nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Liên quan đến hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch, ông Phong đề nghị khẩn trương thực hiện, không để kéo dài, chậm nhất là trong ngày 25-4 phải xong.
Theo ông Phong, TP cũng đang xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để tiếp thêm động lực cho nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Cụ thể như gói kinh tế hỗ trợ trực tiếp cho người dân để giảm bớt khó khăn cùng chung tay chống dịch; gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động mất việc làm ở các DN và các cơ sở sản xuất. Ông Phong cho biết nguồn chi cho các gói trên một phần TP chủ động và một phần từ gói Chính phủ hỗ trợ.
Ngoài ra còn có gói đảm bảo an sinh xã hội đảm bảo các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu; gói kinh tế giảm khó khăn, tăng cường sức chịu đựng cho DN, chuẩn bị điều kiện phục hồi nhanh sau dịch bệnh; gói thúc đẩy ngành kinh tế số trong điều kiện dịch bệnh...
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM đề nghị các sở, ngành, quận, huyện khẩn trương triển khai bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ DN trong và sau dịch từ nay đến hết năm 2020. Trong đó sẽ tập trung hỗ trợ DN duy trì sản xuất, kinh doanh trong điều kiện đảm bảo an toàn thông qua việc rà soát, khảo sát nhu cầu cần được hỗ trợ của các hộ kinh doanh và DN trên địa bàn; xây dựng các bộ tiêu chí xếp hạng ưu tiên hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp giảm các thủ tục hành chính để hỗ trợ lưu thông hàng hóa trên địa bàn.
UBND TP cũng sẽ hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho DN (đang sản xuất, tạm ngừng sản xuất) và chi phí sinh hoạt cho người dân. Hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19, trong đó sẽ thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; áp dụng các biện pháp hỗ trợ về lãi vay, giảm các chi phí liên quan… Theo ông Phong, phải ưu tiên hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn. Hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho DN và giảm chi phí sinh hoạt cho người dân.
Bên cạnh đó, ông Phong cũng cho biết TP cũng xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế đến cuối năm 2020, có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, các lĩnh vực ưu tiên để đảm bảo mức tăng trưởng.
Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền TP cũng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, làm việc với các cơ quan trung ương về điều chỉnh tỉ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và địa phương; triển khai các đề án, nhất là đề án không tổ chức HĐND quận/phường, đề án thành lập thành phố phía đông trực thuộc TP trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, làm sao đến cuối tháng 10 phải giải ngân được 80%. Bởi nếu giải quyết được vấn đề này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở TP.
Tập trung bồi thường cho dân ở khu 4,39 ha Thủ Thiêm Ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu tập trung xử lý dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, trong đó có khiếu nại ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong quý II phải tập trung thực hiện chính sách giải quyết bồi thường tái định cư bổ sung với các hộ dân trong khu đất 4,39 ha thuộc phường Bình An, quận 2. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ một số dự án đang triển khai trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Triển khai đấu thầu dự án đấu giá một số khu đất tại khu đô thị này theo quy định. Cố gắng từ đây đến tháng 6 phải giải quyết cơ bản các công việc. Nhiều ngành giảm sâu Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết trong quý I-2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, mức tăng trưởng của các khu vực, ngành, nghề đều thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có nhiều hoạt động kinh doanh sôi nổi trước đây hiện rơi vào tình trạng suy thoái, giảm sâu, như kinh doanh bất động sản giảm 12,85%; giáo dục và đào tạo giảm 26,57%; y tế và hoạt động cứu trợ giảm 2,92%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 31,69%. |