Ngày 7-11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30–CT/TW ngày 18- 2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Nhiều mô hình hay gắn với cải cách hành chính
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường, cho biết trong 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị, nhận thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, luôn gắn sát với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp.
Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở của từng loại hình có sự chuyển biến nhất định, đạt kết quả khá tốt. Dân chủ trong nội bộ cơ quan được phát huy, nhất là trong công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Công tác tiếp công dân, đối thoại ngày càng được chú trọng; khai thác hiệu quả các kênh để tiếp nhận ý kiến của Nhân dân và giải quyết kịp thời các phản ánh, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Hệ thống chính trị của TP đã phát huy tốt đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác được tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân tham gia góp ý, hiến kế xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tích cực tham gia thực hiện các phong trào, cuộc vận động của TP, quan tâm chăm lo đời sống Nhân dân, người lao động khó khăn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Hoạt động của HĐND các cấp theo từng giai đoạn ngày càng đổi mới, nâng cao chất lượng, nhất là hoạt động giám sát, chất vấn, tiếp xúc cử tri. Nổi bật là chương trình “Lắng nghe và trao đổi”, chương trình “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” của HĐND TP đã phát huy hiệu quả, kịp thời tiếp thu và kiến nghị đến các cơ quan chính quyền giải quyết các kiến nghị của cử tri, tạo được lòng tin của Nhân dân.
Công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn thực hiện dân chủ ở cơ sở với công tác dân vận của chính quyền, tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Nhiều mô hình, giải pháp, sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin trong công khai, minh bạch và rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng ý thức, trách nhiệm, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ; công tác kiểm tra, thanh tra công vụ được tăng cường…
Theo báo cáo của Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, từ năm 2007 đến năm 2023, đã có 1.448 cá nhân, 574 tập thể được biểu dương điển hình “Dân vận khéo” cấp TP.
121.132 cá nhân, 30.096 tập thể được bình chọn, công nhận mô hình, biểu dương điển hình “Dân vận khéo” cấp cơ sở.
Dù vậy, ông Nguyễn Mạnh Cường cũng cho biết vẫn còn người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở. Vẫn còn thiếu sự đồng bộ trong phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính.
Việc nắm và dự báo tình hình Nhân dân, lắng nghe, xử lý những phản ánh của cơ sở có nơi chưa kịp thời; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có lúc, có nơi thực hiện chưa tốt...
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, cho biết qua triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác dân vận của chính quyền, TP.HCM đẩy mạnh triển khai cải cách hành chính đồng bộ theo hướng vì Nhân dân phục vụ, trong đó tập trung vào các lĩnh vực tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân, chăm lo, nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân.
Hiện nay, TP có 1.966 thủ tục hành chính đang áp dụng, trong đó 1.564 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, 262 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, 140 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã. TP cũng vận hành hiệu quả, thông suốt Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia ở 3 cấp trên địa bàn TP.
Ngoài ra, TP vừa thành lập Trung tâm Chuyển đổi số trực thuộc UBND TP trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Công nghệ thông tin. Đến nay, TP.HCM cũng hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch.
Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Đánh giá cao những nỗ lực mà toàn hệ thống chính trị đã đạt được trong 25 năm qua, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Nguyễn Phước Lộc, đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể Nhân dân các cấp thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở, xem đây là nội dung quan trọng để đánh giá tổ chức Đảng, chính quyền trong xếp loại trong sạch, vững mạnh hàng năm.
Đồng thời, cần nghiên cứu, hình thành cơ chế để Nhân dân được tham gia bàn và quyết định những nội dung phải lấy ý kiến Nhân dân trước khi các cơ quan thẩm quyền quyết định, để Nhân dân giám sát thông qua MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan đoàn thể.
Theo ông Nguyễn Phước Lộc, hoạt động này phải được xem là cơ sở để khơi dậy nguồn lực, sức mạnh của các tầng lớp Nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng chính quyền các cấp, trong sạch vững mạnh. Từ đó, nâng cao vai trò giám sát, phản biện của các cơ quan dân cử, của MTTQ, của các tổ chức chính trị - xã hội.
Ông Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn phong trào thi đua yêu nước của các địa phương, đơn vị với phong trào "Dân vận khéo" và xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Song song đó, cần nghiên cứu, phát động cuộc vận động thực hiện dân chủ ở cơ sở, gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
TP.HCM góp phần lan tỏa đến các địa phương khác
Dự hội nghị, ông Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định TP.HCM là địa phương luôn đi đầu trong việc có nhiều sáng kiến, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo về việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
"Kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở của TP.HCM đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ đến các địa phương trong cả nước; đóng góp hết sức quan trọng vào quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và phát triển lý luận của Đảng về phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, nhất là dân chủ ở cơ sở" - ông Đỗ Văn Phới đánh giá.
Ông Phới đề nghị các cấp ủy tiếp tục chỉ đạo sâu sát, thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở.
Trong đó, tăng cường giám sát đối với các tổ chức, người đứng đầu trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
Các cấp ủy cần tăng cường nâng cao hiệu quả giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cơ sở trong điều kiện TP.HCM đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị; tuyên truyền vận động nâng cao ý thức trách nhiệm làm chủ của Nhân dân, trước hết là của cán bộ, đảng viên…