TP.HCM: Tỉ lệ đầu tư cho nhu cầu văn hóa chỉ chiếm 17%

(PLO)- Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, tỉ lệ đầu tư cho nhu cầu văn hóa chỉ chiếm 17% trên tổng số thì quá khiêm tốn so với một đô thị lớn như TP.HCM. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 12-4, đoàn giám sát của HĐND TP.HCM có buổi khảo sát đối với Sở Văn hóa và Thể thao TP về tình hình đầu tư và hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa (TCVH) trên địa bàn. Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Cao Thanh Bình làm trưởng đoàn giám sát.

Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Võ Trọng Nam báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: A.T

Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Võ Trọng Nam báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: A.T

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Võ Trọng Nam nhìn nhận, trong việc đầu tư hệ thống TCVH phục vụ người dân, TP đã có nhiều cố gắng tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, một số TCVH, cơ sở công lập đã xây dựng từ trước năm 2000 nên đã lạc hậu, xuống cấp, hư hỏng và chưa đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện theo quy định. Cần ưu tiên các dự án quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, giao thông, cộng thêm áp lực dân số TP tăng nhanh nên việc đầu tư cho các công trình TCVH còn gặp nhiều khó khăn.

Quỹ đất công quy hoạch dành cho ngành văn hóa, thể thao cũng khan hiếm và ngày càng hạn hẹp. Các quy chuẩn và tiêu chí trung tâm VH-TT phường, thị trấn chưa phù hợp với điều kiện thực tế.

Trung tâm văn hóa - thể thao phường 7, quận Phú Nhuận được dùng làm nơi hoạt động của các câu lạc bộ thể hình, bóng bàn,... Ảnh: B.P

Trung tâm văn hóa - thể thao phường 7, quận Phú Nhuận được dùng làm nơi hoạt động của các câu lạc bộ thể hình, bóng bàn,... Ảnh: B.P

Ông Võ Trọng Nam nhấn mạnh, trong các khó khăn thì khó khăn về nhân sự là lớn nhất. Ông nêu thực tế, nhân sự tại phường, xã thay đổi liên tục vì chủ yếu kiêm nhiệm, có những lúc không đủ người hoạt động và dẫn tới quá tải.

“Khi quá tải thì họ sẽ xin nghỉ việc hoặc xin điều chuyển. Vì phải thay đổi nhân sự liên tục nên ngành văn hóa TP phải tổ chức các buổi tập huấn thường xuyên để bảo đảm chất lượng nhân sự”- ông Nam nói.

Bên cạnh đó, ngân sách không đủ cộng với nhân sự thay đổi dẫn tới ngành văn hóa bị lạc hậu về phương thức, lạc hậu về cơ sở vật chất. Do vậy, Phó Giám đốc Sở VH-TT mong HĐND TP cùng chung tay giải quyết khó khăn này.

Ông Nam cho biết, TP đang chờ Quốc hội thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trong nghị quyết này, có nội dung rất quan trọng đó là cho phép liên doanh, liên kết đầu tư trong lĩnh vực văn hóa thể thao, từ đó có thể tăng thêm ngân sách đầu tư trong lĩnh vực này.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình kết luận buổi giám sát. Ảnh: A.T

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình kết luận buổi giám sát. Ảnh: A.T

Kết luận buổi khảo sát, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Cao Thanh Bình đề nghị Sở VH-TT tiếp tục liên hệ UBND TP và các ngành liên quan, để sớm nhất có thể ban hành Đề án phát triển tổng thể hệ thống TCVH cơ sở trên địa bàn đến năm 2035, làm cơ sở pháp lý để TP có thể huy động ngân sách, nhân lực thực hiện.

Ông Bình cũng đặc biệt chú trọng đến việc chỉ có 9/17 khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn có xây dựng trung tâm sinh hoạt, thể dục thể thao cho công nhân, tức là chưa đạt 60%.

“Đây là điều đáng suy nghĩ. Công nhân là lực lượng lao động trực tiếp tạo ra sản phẩm cho TP, vậy nên cần ưu tiên tạo cho họ những khu vực để giảm bớt căng thẳng, động viên tinh thần để họ phấn đấu làm việc”- ông Bình nói thêm.

Cũng theo ông Cao Thanh Bình, TP.HCM là nơi đáng sống, trung tâm văn hóa không chỉ của cả nước mà của khu vực, vậy mà tỉ lệ đầu tư cho nhu cầu văn hóa chỉ chiếm 17% trên tổng số nhu cầu thì quá khiêm tốn. Qua đó, ông đề nghị Sở KH&ĐT nhìn nhận lại và cần tính toán, ưu tiên cho ngành văn hóa nhiều hơn.

Đối với các kiến nghị của Sở VH-TT liên quan đến bất cập về kinh phí, nhân lực, ông Bình cho biết đoàn giám sát sẽ tiếp thu và đưa vào kiến nghị chung với các cơ quan Trung ương và các nội dung mà TP.HCM quan tâm thực hiện.

Hiện Sở VH-TT đang quản lý 7 đơn vị nghệ thuật công lập và 1 trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh (cấp TP), 1 trung tâm văn hóa và 1 trung tâm thông tin triển lãm (cấp TP); 18 trung tâm VH-TT cấp huyện, 4 trung tâm văn hóa và 4 trung tâm thể thao (Quận 1, Quận 5, Quận 10, TP Thủ Đức). Còn lại là hệ thống TCVH do hội, đoàn cấp TP; ngành công an; quân đội quản lý.

Bên cạnh đó, trên địa bàn TP có 9/17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao có xây dựng trung tâm sinh hoạt công nhân, công trình thể dục thể thao, gồm: Khu chế xuất Tân Thuận, Khu chế xuất Linh Trung, Khu chế xuất Linh Trung 2, Khu công nghiệp Tân Bình, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu công nghiệp Tân Tạo, Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, đạt tỷ lệ 58,82%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm