Dự kiến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong Vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, giữa các khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn của Châu Á (Trung Quốc và Ấn Độ), thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.
Theo UBND TP, cảng thuộc Vùng kinh tế động lực phía Nam là vùng kinh tế năng động nhất của Việt Nam nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế.
Khu vực xây dựng cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Sở GTVT TP cung cấp |
Hiện nay, hàng hóa tại các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Nam Trung Quốc và Philippines chủ yếu được trung chuyển tại Singapore hay Malaysia. Trường hợp hàng hóa từ quốc gia trong khu vực nêu trên trung chuyển tại Cần Giờ, cự ly vận chuyển giảm khoảng 30% - 70% so với cự ly vận chuyển đến Singapore.
"Vị trí dự kiến xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực " UBND TP.HCM nêu rõ.
Mặt khác, Cảng nằm liền kế tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải, được đánh giá là tốt nhất Việt Nam hiện nay. Khu vực này có chế độ thủy hải văn ổn định, khí hậu thuận lợi, ít khi chịu ảnh hưởng của bão, bảo đảm an toàn cho hoạt động khai thác cảng.
UBND TP cho biết, khu vực xây dựng cảng nằm trong vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng trực tiếp đến vùng lõi khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và không nằm trong các khu vực bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước của TP.
Đánh giá sơ bộ tác động môi trường, TP đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động môi trường như: Nghiên cứu phát triển cảng đồng bộ, hiện đại, các thiết bị sử dụng tại cảng sử dụng điện. Từ đó, nhằm hạn chế cao nhất chất thải các loại ra môi trường để giảm thiểu, ngăn ngừa tác động đến môi trường.
Mặt khác, đề xuất xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác cảng theo hướng bền vững, sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, việc đánh giá tác động môi trường của dự án cảng sẽ được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trong bước lập chủ trương đầu tư dự án.
Về đánh giá tác động xói lở bờ, bồi lắng lòng sông, hiện đơn vị tư vấn đã thu thập số liệu, tính toán, sử dụng mô hình toán mô phỏng chế độ thủy động lực học để nghiên cứu. Kết quả mô phỏng cho thấy, không có xuất hiện hiện tượng bồi xói nào đáng kể tại các khu vực lân cận do ảnh hưởng của việc xây dựng các công trình cảng.
Dự kiến, cảng sẽ được đầu tư theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ thực hiện trước 2030 (2/7 bến chính) và giai đoạn 2 là sau năm 2030, tiếp tục đầu tư 5 bến còn lại. Giai đoạn 2 (sau năm 2030 -2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các bến chính còn lại. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5,45 tỉ USD.
UBND TP.HCM cho biết, để có cơ sở nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong giai đoạn 2021-2030, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1579/ 2021.
Trong đó, nghiên cứu bổ sung quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào trong cảng biển TP.HCM, định hướng đầu tư phát triển trong giai đoạn 2021-2030.
TP kiến nghị Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 4, quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050; điều chỉnh cục bộ quy hoạch vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;...
TP.HCM phấn đấu tổ chức đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đưa vào khai thác giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2/7 bến chính). Dự kiến chuẩn bị đầu tư từ năm 2023 đến năm 2024, xây dựng cảng từ năm 2024 đến năm 2026. năm 2027 sẽ chính thức đưa vào khai thác.